Trước đó, anh P.T.V. (23 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) bị nóng sốt, đau họng, ho liên tục nên đến một bệnh viện tại tỉnh khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm phế quản và cho về nhà uống thuốc.
Uống thuốc vài ngày nhưng bệnh không thuyên giảm, kèm theo sốt càng nhiều hơn, anh đi khám lại. Lúc này, bác sĩ phát hiện anh V. mắc bệnh sởi ngày thứ 5, bệnh đang tiến triển khá nặng nên chuyển anh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Anh được nhập viện điều trị tại khoa Nội A của bệnh viện 4 ngày. Đến sáng ngày 14/2/2019, lúc bệnh sởi của anh V. đang tạm ổn, người nhà mừng vì anh ngủ cả buổi sáng nhưng bằng sự nhạy cảm, bác sĩ cảm nhận anh V. có gì đó không ổn.
Bệnh nhân không bị đau đầu, không nôn ói, không có dấu hiệu rối loạn tri giác, không yếu liệt các dây thần kinh, cứng cổ, ngủ li bì… Đây là những triệu chứng của viêm não màng não.
Các bác sĩ nhận định có khả năng anh V. bị biến chứng viêm não màng não từ bệnh sởi nên theo dõi sát trong 6 giờ đồng hồ. Cuối cùng, bác sĩ quyết định kiểm tra dịch não tủy cho anh.
Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa – Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – cho biết: "Khi các bác sĩ chuẩn bị lấy dịch não tủy để kiểm tra thì anh V. bỗng phản đối và phản ứng kịch liệt không thể tiến hành được.
Phản ứng kích động của anh càng khiến bác sĩ nghi ngờ anh đã bị biến chứng viêm não màng não hơn do thời gian nằm viện tại đây anh rất hợp tác điều trị, hiền lành, không cộc tính như thế!"
Đúng như suy đoán, một giờ đồng hồ sau, anh V. lên cơn co giật, suy hô hấp, lơ mơ, được chuyển ngay xuống khoa Nhiễm Việt – Anh của bệnh viện để hồi sức cấp cứu vì viêm não màng não từ bệnh sởi, suy hô hấp phải thở máy hỗ trợ.
Do được hồi sức tích cực và kịp thời, 3 ngày sau, anh V. dần phục hồi, cai máy thở, trở về khoa Nội A để tiếp tục điều trị hỗ trợ và theo dõi thêm 5 ngày. Sáng 24/2 anh hoàn toàn khỏi bệnh, được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Bác sĩ Hoa nói thêm: “Bệnh sởi của anh V. nguy hiểm ở chỗ gây biến chứng viêm não màng não một cách âm thầm chứ không có triệu chứng điển hình. Một người bị viêm não màng não điển hình ban đầu sẽ có các triệu chứng gợi ý như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, sau đó rối loạn tri giác, tiếp xúc kém, cổ gượng, nói năng không kiểm soát, yếu liệt chi hoặc các dây thầh kinh…
Trường hợp này, bệnh nhân chỉ ngủ nhiều, li bì vào buổi sáng, triệu chứng khá kín đáo nhưng sau đó lên cơn kích động và vô suy hô hấp khá nhanh rất nguy hiểm đến tính mạng. May mắn gia đình hiểu và chấp thuận kiểm tra dịch não tủy để phát hiện kịp thời biến chứng cho anh”.
Trải qua cơn nguy kịch, anh V. cũng không nghĩ bản thân bị bệnh nặng như vậy. Anh cho rằng cách đây vài tháng anh mắc bệnh viêm phổi, nên khi ho nhiều, anh chỉ nghĩ bệnh phổi tái phát.
Anh nói: “Tôi chưa từng mắc bệnh sởi nên chỉ tưởng mình bị viêm phế quản, bị phổi trở lại. Bệnh thì phải nghe bác sĩ mới mau khỏi, tôi không nhớ và không biết mình đã kích động la lối, không hợp tác với bác sĩ. Khi hồi phục mới nghe người nhà kể lại. Nhưng tôi rất biết ơn bác sĩ lúc đó không giận và bỏ mặc tôi”.
Theo bác sĩ Hoa, sau khi bình phục, anh V. hiện không bị di chứng từ viêm não màng não, anh có thể sinh hoạt và đi làm lại bình thường.
Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa – Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - khuyến cáo, ngoài , người mắc bệnh sởi còn có thể bị các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi suy hô hấp, sinh non, sẩy thai… Nếu không được chẩn đoán kịp thời và xử trí đúng lúc, các biến chứng này có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề ở não, phổi hoặc thai nhi.
Không phải lúc nào các biểu hiện của biến chứng do sởi gây cũng rõ ràng, có trường hợp triệu chứng xuất hiện kín đáo khó nhận biết, bác sĩ phải theo dõi, khám lại nhiều lần, thậm chí hội chẩn chuyên môn mới.
Do đó, khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ sởi, phải đến cơ sở y tế khám ngay để được chẩn đoán và hướng dẫn theo dõi bệnh đúng cách, không được tự ý mua thuốc uống hay tự điều trị. Người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi nếu chưa mắc bệnh nên tiêm ngừa sởi chủ động để phòng ngừa.