Nam thanh niên tổn thương tủy sống do hít bóng cười
Theo thông tin từ báo Vnexpress: Nam thanh niên 20 tuổi, mỗi ngày hít 3 quả bóng cười, tê bì và yếu chân tay, không thể đi lại được.
Bác sĩ Lương Văn Chương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khám ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương tủy sống dẫn đến yếu tứ chi. Kết quả chụp cộng hưởng từ thấy tổn thương tủy ở vùng cổ. Bệnh nhân phải điều trị thời gian dài, ít nhất là một tháng, bằng vitamin B12 kết hợp phục hồi chức năng.
Được biết quả bóng cười được bơm khí N2O. Loại khí vốn được ứng dụng trong y tế có tác dụng giảm đau, giải lo âu, tuy nhiên sử dụng quá liều sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tim mạch. N2O làm tổn thương thần kinh ngoại biên và ảnh hưởng chu trình chuyển hóa vitamin B12.
Cũng theo bác sĩ Chương, người chơi bóng cười có thể bị rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, rối loạn cảm giác, liệt vận động, rối loạn giấc ngủ, tổn thương thần kinh trung ương... Sử dụng N2O ở nồng độ thấp, người dùng cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác. Khí N2O còn làm tổn thương vùng tủy cổ dẫn đến yếu tứ chi, tàn phế suốt đời. Đáng sợ là khí N2O gây ảo giác, có dấu hiệu tương tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện.
Bắt đầu từ năm 2019, Bộ Y tế đã cấm sử dụng bóng cười phục vụ cho việc giải trí. Khí N2O chỉ được sử dụng trong công nghiệp, tuyệt đối không được dùng cho người nếu như không được bác sĩ chỉ định.
Những nguy hiểm của việc sử dụng bóng cười
Thú vui hít bóng cười được coi là một hành động nhằm xả stress, mang lại hưng phấn cho người sử dụng nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai hại đối với sức khỏe con người.
Trên thực tế, nhiều bệnh viện trong cả nước thời gian qua cũng đã ghi nhận những trường hợp bệnh nhân bị các triệu chứng mất cảm giác, mệt mỏi, chân tay bủn rủn… do hít bóng cười quá liều lượng.
Mới đây, trên mạng xã hội Facebook cũng đang có những bàn tán xôn xao về câu chuyện của một cô gái sống tại TP.HCM bị co giật suốt ngày liền do sử dụng bóng cười.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết: Trong trường hợp dùng nhiều khí N2O, cơ thể sẽ bị nhiễm độc thậm chí có khả năng gây bệnh ung thư và các rối loạn khác trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy kéo theo nhiều triệu chứng nguy hiểm khác.
Như vậy, có thể thấy rõ ràng bóng cười chính là một thú chơi có khả năng gây nghiện cao và gây tổn hại lớn đến sức khỏe của người sử dụng đặc biệt là tới não bộ.