Người đàn ông mọc đầy nấm trong tai
Anh T.V.A. (30 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) đến bệnh viện để kiểm tra tai trong tình trạng khả năng nghe kém và đau đớn rất khó chịu. Khi các bác sĩ khám thì phát hiện trong ống tai ngoài và vành tai bệnh nhân có nhiều vảy, mảnh vụn hình thành. Ống tai ngoài bị lấp đầy bởi những mảng màu xám, đen hoặc trắng.
Quan sát ở mặt trên những mảng này, bác sĩ phát hiện các sợi bào tử nấm mọc trông như đám mạ. Những mảng này có mùi hôi rất khó chịu. Qua khai thác bệnh sử, nam bệnh nhân cho biết cuối tuần thường ra quán cắt tóc nhờ lấy ráy tai vì thấy rất dễ chịu. A. giữ thói quen này nhiều năm nay mà không hề hay biết có thể khiến anh mang bệnh.
Sau khi trao đổi với bệnh nhân, các bác sĩ đã bóc lấy một phần của mảng bám trong tai bệnh nhân, đem đi soi tươi và nuôi cấy để xác định loại nấm gây bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau khi làm sạch tai, người bệnh được cho sử dụng kháng sinh chống nấm.
Thói quen khiến bạn dễ hỏng tai
Dùng tăm bông, các vật cứng, nhọn để ngoáy tai
Ngoáy tai là thói quen thường gặp ở rất nhiều người, thậm chí có người còn thực hiện hàng ngày sau mỗi khi tắm hay gội đầu hoặc bất kỳ lúc nào tai thấy ngứa với lý do là để cho tai sạch. Họ thường dùng tăm bông hoặc các vật dụng cứng, nhỏ để ngoáy tai. Tuy nhiên, ngoáy tai nhiều gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai, đặc biệt là khi người bệnh tắm gội ở những ao, hồ, bể bơi có nước bẩn.
Tất cả mọi người đều phải rất thận trọng với tăm nhọn, vật dụng nhọn khi dùng để lấy ráy tai cứng. Tai nạn dùng tăm bông, vật dụng ngoáy tai quá sâu, gây thủng màng nhĩ không phải là hiếm. Mặt khác, lấy ráy tai không đúng cách có thể khiến ráy tai bị đẩy vào sâu bên trong ống tai, áp sát vào màng nhĩ gây ù tai, đau tai và giảm thính lực.
Dịch vụ ngoáy tai chung ở tiệm cắt tóc, gội đầu
Tuy thói quen lấy ráy tai khi cắt tóc bằng bộ dụng cụ kim loại khiến nhiều người thích thú, nhưng có thể khiến tai mắc các bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân là do người lấy ráy tai không có chuyên môn, không nắm được cấu trúc tai nên việc sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại sẽ dễ gây ra những tổn thương cho các bộ phận của tai.
Trường hợp nhẹ thì làm trầy ống tai gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng và gây ra các bệnh như viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nguy hiểm hơn có thể gây thủng màng nhĩ, làm giảm thính lực, nặng dần sẽ thành điếc. Mặt khác, dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc thường không vô trùng, vì vậy rất dễ truyền bệnh từ người này sang người khác mà phổ biến nhất là bệnh về nấm.
Cách vệ sinh tai đúng cách
Tai có cơ chế tự làm sạch, do vậy, bình thường chúng ta không nên ngoáy tai hàng ngày vì sẽ làm mất đi yếu tố bảo vệ tự nhiên giúp tai tránh khỏi bụi bặm và vi khuẩn. Trong điều kiện tai bình thường, chúng ta chỉ nên ngoáy tai nhẹ nhàng từ 2-3 lần/tháng.
Khi tắm, hãy dành vài phút kỳ cọ nhẹ ngoài vành và ống tai. Sử dụng tăm bông sạch thấm nước muối loãng ấm, cọ nhẹ phần ráy tai bám bên ngoài, không cọ sâu bên trong. Cuối cùng, dùng khăn mềm sạch lau khô để tránh các bệnh nhiễm khuẩn hoặc nấm tai.