Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Tuy nhiên, mức hưởng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng. Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.
Năm 2024, mức lương cơ sở hiện đang được áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Như vậy, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng tối đa của năm 2024 ở khu vực này được tính như sau: 5 x 1,8 triệu đồng = 9 triệu đồng.
Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, hiện mức lương tối thiểu tháng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu.
Tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt là không quá 23,4 triệu đồng đối với vùng I; không quá 20,8 triệu đồng đối với vùng II; không quá 18,2 triệu đồng đối với vùng III; không quá 16,25 triệu đồng đối với vùng IV.
Theo đó, năm 2024, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là 23,4 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở vùng I.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.