Cơ thể trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, làn da mỏng manh nhạy cảm với nhiệt độ nên việc tắm cho trẻ vào mùa hè cần tránh một số vấn đề để con khỏe mạnh.
Cần tránh gì khi tắm cho trẻ vào mùa hè?
Mùa hè tắm cho trẻ mấy lần một ngày/một tuần? Mùa hè tắm cho trẻ lúc mấy giờ là hợp lý? Có rất nhiều băn khoăn của phụ huynh khi tắm cho trẻ vào mùa hè.
1. Tránh tắm lâu
Trẻ nhỏ rất thích nghịch nước, đặc biệt là mùa hè nóng bức. Tuy nhiên không vì thế mà cha mẹ cho trẻ tắm/ngâm mình lâu trong nước. Tác hại của việc tắm quá lâu trong nước:
- Khiến làn da của trẻ bị mất lớp dầu tự nhiên bảo vệ cơ thể, tăng nguy cơ kích ứng như ngứa, mẩn đỏ
- Tăng nguy cơ nhiễm lạnh
- Làn da dễ bị mất nước.
Nên cho trẻ tắm bao lâu là hợp lý?
Lời khuyên là bạn nên cho trẻ sơ sinh tắm khoảng 5 phút, trẻ lớn hơn có thể tắm lâu hơn một chút. Sau khi tắm xong nên thấm khô người trẻ bẳng khăn bông mềm, không bật điều hòa và quạt lạnh thổi vào người trẻ ngay dễ gây sốc nhiệt.
2. Tránh tắm quá nhiều lần trong ngày
Thời tiết nóng bức người lớn có thói quen tắm nhiều lần trong ngày để hạ nhiệt cơ thể - nhưng trẻ nhỏ không như vậy. Cũng tương tự như các tác hại khi cho trẻ tắm quá lâu, tắm cho trẻ nhiều lần dễ gây mất cân bằng độ ẩm và pH tự nhiên trên da trẻ - từ đó vi khuẩn gây bệnh cũng dễ dàng xâm nhập hơn.
Nên tắm cho trẻ bao nhiêu lần/ngày vào mùa hè?
Mặc dù vào mùa hè có thể tắm nhiều hơn mùa đông cho trẻ trong ngày để giảm sự tích tụ mồ hôi sinh bệnh nhưng tốt nhất là chỉ nên tắm nhiều nhất là 2 lần/ngày.
3. Tắm nước quá nóng
Kể cả khi thời tiết nóng nực hay lạnh thì nhiệt độ nước tắm cho trẻ cũng không nên quá cao khiến làn da vốn mỏng manh của trẻ bị bỏng hoặc giảm thân nhiệt nếu nhiệt độ nước quá lạnh, gây cảm lạnh.
Vậy nhiệt độ nước tắm cho trẻ bao nhiêu là hợp lý?
Theo nhiều chuyên gia thì nhiệt độ nước tắm cho trẻ nên từ 37 - 38 độ C tương đương với thân nhiệt của con. Trước khi tắm cha mẹ nên sử dụng công cụ đo nhiệt độ nước hoặc cảm nhận bằng khuỷu tay để sát nhất với nhiệt độ nước.
4. Tắm quá muộn
Cũng giống như người lớn thì việc tắm quá muộn cho trẻ (sau 10h tối) làm tăng nguy cơ đột quỵ nguy hiểm tới tính mạng.
Vào mùa hè thời điểm tắm thích hợp cho trẻ là khi còn ánh nắng mặt trời, thời gian tắm muộn nhất là từ 17h - 18h. Tuy nhiên phòng tắm kể cả mùa đông hay mùa hè cũng đều nên kín gió, ấm áp và không nên dội nước lên đầu (gội đầu) trước cho con mà nên dội nước từ chân lên tới ngực để con quen với nhiệt độ nước và bỏ quần áo từ từ.
5. Tắm ngay sau khi chơi ngoài trời về
Mùa hè việc vận động của con sẽ nhiều hơn và đồng nghĩa với đó là lượng mồ hôi của trẻ cũng tiết ra nhiều hơn. Điều này khiến nhiều cha mẹ vô tình muốn trẻ vào nhà tắm ngay khi vừa chơi ngoài trời về để trẻ "sạch sẽ" hơn! Tuy nhiên thói quen này có thể khiến trẻ bị sốc nhiệt, viêm phổi và tăng nguy cơ cảm lạnh gây ho sốt rất nguy hiểm
Tốt nhất là nên để trẻ tắm sau khi ngồi nghỉ 30 - 40 phút để thân nhiệt ổn định. Tương tự như vậy thì cũng không nên tắm cho trẻ ngay khi vừa tắt điều hòa.
6. Tắm xong bật quạt hoặc điều hòa luôn
Khi tắm, lỗ chân lông của trẻ sẽ giãn nở ra để loại bỏ dầu thừa, mồ hôi, bụi bẩn nên việc tiếp xúc với không khí lạnh từ quạt hay điều hòa khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt. Lỗ chân lông và vi mạch dưới da đột ngột co lại khiến tuần hoàn máu bị cản trở.
7. Một số lưu ý khác khi tắm cho trẻ vào mùa hè
Ngoài việc cần tránh các sai lầm khi tắm cho trẻ vào mùa hè kể trên thì cha mẹ cũng nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không tắm cho trẻ khi vừa ăn no xong hoặc tắm khi trẻ quá đói
- Nên chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho việc tắm rửa và vệ sinh cá nhân cho trẻ đầy đủ trước khi tắm để tránh kéo dài thời gian tắm do phải chạy đi chạy lại lấy đồ
- Vệ sinh vùng kín cho con sạch sẽ, đây cũng là bộ phân dễ tích tụ mồ hôi khi trẻ vui chơi mùa hè. Các loại kem chống hăm có thể cần thiết trong trường hợp trẻ bị hăm đỏ do bí bức của mồ hôi
- Dưỡng ẩm cho trẻ sau khi tắm xong
- Có nên tắm khi trẻ bị sốt không? Việc tắm hay lau mát cho trẻ khi bị sốt thực tế không gây hại như nhiều cha mẹ lầm tưởng như khiến trẻ ốm thêm. Mà việc này còn giúp trẻ hạ sốt hiệu quả khi thực hiện đúng cách.
Cha mẹ nên sử dụng nước ấm, tắm cho con trong phòng kín gió và sử dụng khăn bông mềm. Tuyệt đối không sử dụng nước lạnh và để môi trường tắm nhiều gió bởi có thể gây co mạch khiến nhiệt độ không thoát được. Thông thường thì không nhưng đôi khi sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng, hãy cho trẻ tới cơ sở y tế nếu:
- Trẻ bỏ chơi, bỏ bú, mê sảng, ngủ ly bì, khó đánh thức
- Co giật
- Thở nhanh, thở gấp, thở bất thường
- Tiêu chảy kèm phân nhầy có máu
- Sốt cao (trên 39oC) khó hạ kéo dài trên 2 ngày
- Cơn sốt dày chưa đủ thời gian dùng lại thuốc hạ sốt
- Sốt trên 3 ngày
- Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi,...
Nguồn: Tổng hợp