Cách đây khoảng 4 năm, ông Nguyễn Văn Anh (ngụ phường Hố Nai, Đồng Nai) bị nhiễm bệnh giun sán chó mèo đã điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, khoảng một tuần trước, da ông Anh bổng nhiên ngứa ngáy rất khó chịu, hai cánh tay nổi những vết sần sùi có vẩy trắng.
Lo sợ bệnh cũ tái phát, ông đến phòng khám chuyên khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), để khám và điều trị sớm.
“Nhà có nuôi chó, mèo nhưng đã chích ngừa và tẩy giun cho chúng đầy đủ. Bản thân tôi thường ăn gỏi cá sống và rau sống rất nhiều, có lẽ nguyên nhân bị ngứa, nhiễm ký sinh trùng xuất phát từ đây”, ông Nguyễn Văn Anh nói.
Nguy cơ từ những món ăn quen thuộc
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai, thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám trong tình trạng bị ngứa khắp người. Kết quả cho thấy đa số bị nhiễm ký sinh trùng, đa phần xuất phát từ việc nuôi chó, mèo và thói quen ăn rau sống trong mỗi bữa cơm.
Bà Ngô Thị Tường Vy (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) cho hay từ trước đến nay gia đình không nuôi chó, mèo. Thế nhưng, tương tự ông Anh, trong mỗi bữa ăn của gia đình bà luôn có món rau sống.
Khoảng 2 tháng nay, da bà Vy xuất hiện tình trạng ngứa, nổi mẩn, khi gãi sẽ để lại một vệt dài như mèo cào. Kết quả khám ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy bà bị nhiễm giun đũa chó, đã điều trị được 20 ngày.
TS.BS Huỳnh Hồng Quang, Phó viện trưởng phụ trách chuyên môn Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng Quy Nhơn, phân tích Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều kết hợp với thói quen sinh hoạt, ăn uống… tạo môi trường thuận lợi cho các loại ký sinh trùng sinh sôi phát triển.
Đặc biệt là các nhóm bệnh lây từ động vật sang người như: ấu trùng giun đũa chó mèo, ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng sán lợn, bệnh sán lá gan lớn...
Những ấu trùng này xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều con đường khác nhau, sinh sôi phát triển bằng cách hút máu và các chất dinh dưỡng từ cơ thể người. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều tác hại đối với sức khỏe như: tổn thương gan, não, phổi, thận, suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu, thậm chí là nguy hiểm tính mạng.
Điều trị bệnh ký sinh trùng không khó
Hầu hết bệnh ký sinh trùng điều trị khá dễ dàng. Tuy nhiên, bệnh khó phát hiện vì người nhiễm ký sinh trùng thường dưới dạng mạn tính hoặc âm thầm không có triệu chứng. Điều này khiến người bệnh thường chủ quan không đi thăm khám, khi phát hiện ra đa phần là nhiễm nhẹ.
Thế nhưng, với một số trường hợp nhiễm ấu trùng nặng như sán lá gan lớn có thể gây đau tức vùng gan, kém ăn, sụt cân. Thậm chí có thể gây biến chứng làm tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, dọa vỡ gan phải can thiệp ngoại khoa.
Đối với người bệnh khi nhiễm ấu trùng sán dây lợn có thể gây biến chứng nguy hiểm ở hệ thần kinh trung ương, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng.
Bên cạnh ấu trùng sán lá gan lớn và ấu trùng sán dây lớn, ấu trùng bệnh giun lươn cũng có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan như phổi, tim, gan, thận, các cơ quan nội tiết và hệ thần kinh trung ương, có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng nhiễm ký sinh trùng, người dân cần lưu ý:
- Ăn chín, uống chín, hạn chế ăn đồ tái, sống phổ biến như: Tiết canh, cá sống, các loại rau sống và tránh ăn uống tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Rửa tay thường xuyên và đều đặn mỗi ngày. Nên rửa tay trước khi ăn, sau khi chế biến thức ăn và đi vệ sinh. Đặc biệt, sau khi tiếp xúc với chó, mèo phải rửa tay bằng xà phòng.
- Đối với trẻ nhỏ, không ngậm hay mút tay, sờ tay lên vùng mắt, mũi miệng, vùng vết thương hở.
- Uống thuốc tẩy giun định kỳ cho trẻ em và người lớn, trừ trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát tránh tạo môi trường cho ký sinh trùng trú ngụ và sinh sống.