Khi đông về, ngoài các loại đồ nướng dậy mùi khắp các con phố thì ốc luộc cũng là đồ ăn vặt được nhiều người yêu thích. Ốc không chỉ là món ăn ngon và hút khách mùa đông, mà còn là nguồn cung cấp nhiều loại khoáng chất vô cùng quan trọng với cơ thể.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, các loại ốc nói chung đều chứa hàm lượng canxi rất lớn, bên cạnh nhiều các loại khoáng chất khác như magie, kẽm và cả protein. “Sở dĩ ốc có hàm lượng canxi lớn vì chúng là loài sống ở tầng đáy. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, sử dụng các loài thủy hải sản sống ở tầng đáy cũng sẽ đối diện với nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, tồn dư kim loại nặng”, TS Từ Ngữ cảnh báo.
Xét về hàm lượng canxi, ông Ngữ cho biết, ốc vượt trội so với tôm và tất cả các loài cá khác. Ví dụ như hai loại ốc thường hay ăn nhất là ốc nhồi chứa tới 1.357mg canxi/100g, còn ốc vặn chứa 1.356mg canxi/100g. Trong khi nhu cầu sử dụng canxi của mỗi người trưởng thành là 500mg. Như vậy có thể thấy, chỉ cần ăn 100g ốc (phần ăn được) là có thể cung cấp gấp đôi lượng canxi cần thiết trong ngày.
Dù ốc là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều người thích ăn nhưng TS Từ Ngữ cho rằng, ai cũng cần lưu ý khi ăn ốc nướng, ốc luộc nhất là ở vỉa hè vì có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao nếu ốc chưa được nấu chín kỹ, đó là chưa kể về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chắc đã được đảm bảo.
“Để đảm bảo dinh dưỡng, mọi người nên nấu kỹ trước khi ăn. Ngoài luộc, ốc có thể dùng nấu thành nhiều món ăn bổ dưỡng khi kết hợp với các loại thực phẩm khác. Nên dùng ốc mới bắt, bởi ốc bắt lâu dù vẫn sống nhưng sẽ gầy và hàm lượng dinh dưỡng cũng giảm”, bác sĩ Từ Ngữ tư vấn.
Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong đông y, thịt ốc có vị ngọt mặn, tính hàn. Vỏ ốc có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng lợi thủy, thanh nhiệt, dùng cho các trường hợp sốt nóng, đái khó, phù nề, vàng da, bệnh tiểu đường, trĩ.
Dù ốc có nhiều tác dụng chữa bệnh nhưng lương y Bùi Đắc Sáng cũng lưu ý khi sử dụng ốc làm thực phẩm, đặc biệt là ốc luộc khi ăn trực tiếp chứ không kết hợp cùng các thực phẩm khác. Theo đó, những người mắc các bệnh về tiêu hóa, bệnh gout, ho hen không nên ăn ốc. Người có tiền sử bị dị ứng hải sản nói chung, ốc nói riêng thì nên bỏ hoàn toàn để tránh bị đau bụng, nổi mề đay, dị ứng nặng hơn. Người có cơ địa dễ dị ứng cũng không nên ăn ốc, đặc biệt là các loại ốc lạ
Việc ăn ốc luộc với các loại quả chứa nhiều vitamin C là một sai lầm. Ảnh minh họa.
Nhiều người có thói quen sau khi ăn ốc sẽ ăn cóc, xoài dầm hoặc các loại quả có vị chua để không bị tanh. Đây là một sai lầm, bởi các loại quả chứa vitamin C khi kết hợp với hải sản nói chung, ốc nói riêng có thể gây đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, hoặc nặng hơn là ngộ độc thực phẩm.
Ông Sáng cũng tư vấn, do ốc sống ở gần bùn đất, nếu ăn ngay dễ gây đau bụng, mất hương vị món ăn vì thế khi bắt ốc về cần rửa sạch, ngâm ốc với nước gạo hoặc nước pha giấm (có thể cho thêm ớt) để ốc nhả bùn. Lưu ý, không nên ngâm quá một ngày vì ốc sẽ gầy. Nếu sử dụng nước ốc để chế biến món ăn cần phải rửa thật thật sạch vỏ ốc.