Vị ngọt, bình; vào phế, vị, cá tra có tác dụng hòa trung khai vị, bổ hư nhược, nhuận da cơ khu phong trừ thấp. Dùng cho các trường hợp hư lao, suy nhược, ăn kém chậm tiêu, sản phụ ít sữa, trẻ em thiểu dưỡng gầy còm. Liều dùng: 200 - 500g. Cách chế biến đa dạng như: nấu luộc, kho, hầm, chiên rán.
Sau đây là một số món ăn thuốc có cá tra.
Canh đậu phụ cá tra: cá tra 500 - 1.000g (loại bỏ vây ruột) thái lát to, đậu phụ 2 - 3 bìa (khoảng 200g) thái lát, cho thêm mắm, tương, tiêu ớt, gia vị, nấu lượng thích hợp nấu chín nhừ, thêm nước chanh hoặc nước me tương ớt. Món này rất tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Canh chua cá tra: cá tra 500 - 1.000g (loại bỏ vây ruột) thái lát to, thêm khế chua hoặc me, ớt, hành, gia vị nấu canh chua, độ chua tùy ý. Dùng tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Cá tra kho mặn: cá tra (bỏ vây, bỏ ruột) 500 - 1.000g, nước dừa tươi 0,5 lít, tỏi 50g, ớt sừng 5 trái, hành 50g, nước mắm 3 thìa, gia vị. Cá cắt thành 4 - 5 khúc, để ráo nước, cho vào chảo chiên hai mặt hơi vàng, để ráo dầu, ướp nước mắm và tỏi ớt băm nhỏ. Cho vào nồi đất, tiếp tục cho nước, đun sôi 15 phút, tiếp cho thêm nước dừa, đun đến vừa cạn, rắc hành lá, ớt cắt khoanh lên là được. Cách làm cho cảm giác không ngán mỡ. Ăn với cơm nóng trong ngày mưa, rất ngon.
Dùng cho các trường hợp ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Cá tra hầm đu đủ: cá tra (bỏ vây, bỏ ruột) thái lát; đu đủ xanh 200g gọt lớp vỏ xanh ngoài và lớp hột, thái lát to. Thêm gia vị, nước lượng thích hợp, đun nhỏ lửa hầm nhừ, dùng cho sản phụ sau đẻ ít sữa.
Lưu ý: Phải dùng cá tươi, không dùng cá ôi thiu. Không dùng gừng làm gia vị, sẽ tạo ra mùi vị khó chịu, khó ăn.