Chế độ ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân đái tháo đường đòi hỏi sự cân bằng, kiêng khem ở mức nhất định. Việc ăn gì và không nên ăn gì quyết định phần lớn đến lượng đường huyết trong máu.
Thạc sĩ Bác sĩ Lê Ngọc Thanh, Viện Y Dược Học Dân Tộc thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với sự phát triển của y học, bệnh nhân đái tháo đường hiện nay có nhiều sự lựa chọn về thuốc trong việc điều trị đái tháo đường nhằm hạn chế biến chứng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân đái tháo đường cũng cần duy trì việc tập luyện, ăn uống đúng cách để tăng hiệu quả điều trị. Một số loại thực phẩm quen thuộc trong cuộc sống có thể chế biến thành những món ăn bài thuốc cho người bị đái tháo đường có thể tham khảo dưới đây.
Món ăn bài thuốc cho người bị đái tháo đường
Cháo cà rốt
Để nấu cháo cà rốt cho bệnh nhân đái tháo đường, cần chuẩn bị 2 củ cà rốt tưởi, 60g gạo tẻ. Sau đó đem nấu cháo, chia làm 2 buổi sáng, tối để ăn.
Món ăn bài thuốc này dùng cho người bị đái tháo đường có triệu chứng đói, ăn nhiều. Thành phần insulin thực vật trong cà rốt có khả năng giảm 1/3 lượng đường trong máu.
Ốc bung củ chuối
Ốc bung củ chuối cũng là một trong những món ăn bài thuốc hiệu quả cho người bị đái tháo đường.
Nguyên liệu chuẩn bị: Ốc bươu hay ốc nhồi, thịt lợn ba chỉ, đậu phụ rán, củ chuối hột non, nghệ giã nhỏ vắt lấy nước, quả khế, cơm mẻ…
Bước đầu tiên, dùng ốc ngâm trong nước gạo cho ra hết nhờn, rửa sạch, khều lấy đầu, bỏ ruột. Thịt lợn cắt mỏng. Ướp ốc và thịt với cơm mẻ và nước nghệ. Củ chuối thái mỏng, ngâm nước cho ra hết nhựa rồi cho vào nồi ninh nhừ. Nấu chung các thứ, nêm mắm muối.
Bác sĩ Thanh cho biết, theo quan điểm Đông y thì ốc có vị nhạt, tính hàn, không độc dùng để trừ thấp nhiệt, tiêu thũng, thông lâm (sỏi). Con ốc và nước ốc dùng để giải độc rượu, trị chứng tiêu khát (đái tháo đường). Củ chuối hột có tính chát và thu liễm, dùng để trị bệnh tiêu khát. Thịt lợn và đậu phụ là những chất protid cần dùng trong thực đơn của người đái tháo đường.
Mùi vị của món ăn này rất đặc biệt, làm giảm cảm giác khát nước, đói bụng của người đái tháo đường.
Cháo củ mài, bí đao, lá sen
Nguyên liệu: Củ mài 30g, bí đao 100g, lá sen 60g.
Thực hiện: Lá sen sắc lấy nước, bỏ cái, nấu với củ mài và bí đao thành cháo, ăn ngày một lần. Củ mài (tên thuốc là Hoài sơn) là một vị thuốc có vị ngọt, tính bình có nhiều tác dụng, một trong số đó là dùng để chữa chứng tiêu khát.
Theo bác sĩ Thanh, các nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy củ mài có khả năng làm giảm đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Trong khi đó lá sen và bí đao là những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giảm khát rất tốt. Ngoài ra lá sen còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ.
Củ mài nấu tụy heo
Nguyên liệu: Củ mài 60g, tụy heo 1 cái, Sinh địa 30g.
Thực hiện: Sắc tụy heo trước 30 phút rồi cho thuốc vào cùng sắc. Uống nước và ăn thịt có thể thay cho bữa ăn, dùng liên tục từ 15-20 ngày.
Tài liệu Đông y cho biết, sinh địa là một trong những vị thuốc thường được sử dụng do có nhiều công dụng khác nhau như thanh nhiệt, bổ huyết… Các nghiên cứu dược lý cho thấy nước sắc sinh địa có tác dụng kháng viêm, giảm đường-huyết, giảm huyết áp…
Kinh nghiệm từ xưa hay sử dụng tụy heo vừa là một món ăn vừa là một vị thuốc dùng để chữa chứng tiêu khát khi cùng phối hợp các loại thức ăn khác như xào với củ cải, hẹ, mướp đắng… Một số thử nghiệm ở Nga gần đây cho thấy tế bào tụy tạng heo có khả năng giúp bệnh nhân đái tháo đường sản xuất được insulin.
Cháo hoàng kỳ, củ mài
Nguyên liệu: Hoàng kỳ 30g, củ mài 60g.
Thực hiện: Hoàng kỳ sắc còn 300ml bỏ xác, cho bột Củ mài vào trộn đều nấu cháo ăn 1-2 lần mỗi ngày.
Hoàng kỳ là một vị thuốc có vị ngọt tính ấm, có tác dụng bổ khí. Tác dụng dược lý của Hoàng kỳ là làm tăng cường miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy quá trình chuyển hóa của cơ thể, hạ áp…
Canh mướp đắng tươi
Bệnh nhân bị đái tháo đường có thể dùng quả mướp đắng tươi từ 1-2 trái nấu canh ăn hằng ngày. Có thể nấu chung với thịt heo để dễ ăn.
Ngoài ra có thể dùng mướp đắng thái mỏng, sấy khô, hãm uống như nước trà. Mướp đắng có vị đắng tính lạnh, có tác dụng trừ nhiệt, làm sáng mắt, giải phiền khát…
"Ở nhiều nước trong khu vực (Philippines, Trung Quốc, Việt Nam…), mướp đắng được sử dụng như một vị thuốc để điều trị bệnh đái tháo đường rất hiệu quả. Ngoài ra các nghiên cứu của Nhật Bản còn cho thấy mướp đắng có khả năng hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư và kéo dài tuổi thọ của người bệnh ung thư", bác sĩ Thanh thông tin.
Các món ăn bài thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường nói trên sẽ góp phần hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Song song với việc tập luyện đúng cách, mức đường huyết của người bệnh sẽ được giữ ở mức ổn định, ngăn ngừa biến chứng.