Chào cả nhà!
Lâu lắm rồi tôi không vào mục Tâm sự Eva của báo này để đọc bởi vì quá bận rộn với những công việc cuối năm. Nhưng từ mấy hôm nay, khi mua sắm, chuẩn bị Tết đã khá đầy đủ, tôi mới có thời gian vào đây đọc bài chia sẻ của mọi người.
Tôi thấy thời gian này, nhiều bà vợ và ông chồng tranh luận nhiều về chủ đề nên ăn Tết nội hay Tết ngoại. Nếu như các bà vợ thường đau đáu ước muốn về nhà ngoại ăn Tết thì các ông chồng lại nhất nhất bắt vợ con, muốn vợ con phải về ăn Tết nhà nội.
Khổ nhất là nhiều nhà chồng cứ một mực bắt con dâu phải về ăn Tết nhà nội. Đến tận khi gần hết Tết mới cho con dâu về nhà ngoại. Họ cho rằng, là vợ phải theo chồng, theo nhà chồng. Bởi vì chồng là... đàn ông. Còn nhà vợ đã có anh em trai của vợ lo. Nếu nhà vợ không có anh em trai là lỗi của nhà vợ, không liên quan đến chồng. Vì thế, nếu nhà vợ không có con trai, sau này Tết nhất hay về già nhà cửa hiu quạnh là lỗi tại nhà vợ hết?
Đã lấy chồng thì phụ nữ không có quyền được phản đối về nhà nội ăn Tết? Bởi lấy chồng về nhà chồng ăn Tết là điều mặc nhiên, không phải bàn cãi? Dường như tôi đang thấy có sự bất bình đẳng ở đây. Dường như con trai từ muôn đời trước đã là bảo chứng của quyền lợi và muôn đời sau vẫn sẽ như vậy ở các gia đình Việt?
Thật sự cá nhân tôi nghĩ, ở thời đại 4.0 này rồi mà những gia đình nhà chồng hay người chồng nào vẫn còn tư tưởng như vậy thì quá cổ hủ. Những bà vợ nào lấy phải những ông chồng gia trưởng như thế quá kém may mắn.
Buồn là, mẹ đẻ tôi cũng là một phụ nữ kém may mắn như thế các bạn ạ. Mẹ tôi là gái Hà Nội và cũng lấy chồng Hà Nội. Hai nhà chỉ cách nhau khoảng 6km, thế nhưng từ khi đi lấy chồng tới giờ, chưa một năm nào mẹ tôi được về nhà bà ngoại ăn Tết. Tết đến, bà một lòng một dạ ở nhà chồng lo cúng kiếng tổ tiên và chăm sóc mẹ chồng già yếu.
Bố đẻ của tôi ngày thường rất thương yêu, chiều chuộng vợ. Bố cũng rất kính trọng và thương bà ngoại, nhà ngoại tôi nhiều lắm. Song cứ khi Tết đến, rốt cuộc với bố thì bên nội vẫn hơn và vẫn là nhất. Chính bởi thế, nhiều lúc mẹ tôi muốn về với bà ngoại cũng không được. Mẹ đẻ tôi nhiều khi cũng khổ tâm về điều này.
Cho đến 2 năm trước, bà nội của tôi mất, mẹ đẻ tôi lúc này mới được bố tôi hiểu và tôn trọng. Việc gì mẹ tôi làm cho đám tang của bà, bố cũng nghe theo. Bởi vì mẹ tôi toàn làm đúng và làm những điều tốt cho bà nội tôi.
Song ngay cả khi mẹ tôi làm những việc hết lòng vì bà nội quá cố thì lại đến lượt anh chị em bên nội dè bỉu này nọ về bà. Chẳng hạn như, sau 50 ngày bà, mẹ tôi đưa bà lên chùa thì họ bảo mẹ tôi lười hương khói tại nhà. Mẹ cúng dường để chùa chăm lo cho bà thì họ bảo hoang phí. Cũng may có bố tôi hiểu và đứng ra bênh vực vợ. Nên các anh chị em bên nội chỉ dám xì xào sau lưng, còn trước mặt thì vẫn chị em ngọt xớt.
Và đặc biệt, sau hơn 30 năm làm dâu nhà người, Tết năm ngoái, bố tôi đã chính thức động viên mẹ tôi về nhà ngoại từ chiều 30 Tết để ăn tất niên và đón giao thừa bên nhà ngoại. Mọi chuyện cúng giao thừa, làm cơm ngày mùng 1, mẹ tôi chuẩn bị sẵn hết cho bố tôi ở nhà đảm nhiệm. Chiều mùng 1, mẹ tôi mới về nhà nội. Đó có lẽ là cái Tết ý nghĩa và trọn vẹn nhất với mẹ tôi – người đã hy sinh hơn 30 năm hết lòng vun vén Tết cho nhà chồng.
Chính bởi thế, Tết năm nay, bố mẹ tôi cũng bảo với các con là miễn hết các lễ nghĩa truyền thống rườm rà. Con cái cứ tự điều chỉnh cuộc sống và chuyện ăn Tết nhất ở nhà mình sao cho êm ấm và thoải mái nhất. Tuy nhiên, ai cũng nên tự vun vén cho mình và gia đình mình trước. Đừng quá coi trọng cái gọi là nề nếp gia phong coi trọng con trai và tôn sùng trai trưởng, dâu trưởng mà coi ngày Tết của nhà người khác không ra gì.
Cuộc sống này luôn vô thường và biến động không ngừng. Tôi mong rằng, chuyện con trai mới được thắp hương trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, còn con gái dù ấm ức cũng phải tự biết thân mà nhất tâm phục vụ cho nhà chồng không còn tồn tại nữa.
Cá nhân tôi luôn khuyến khích các phụ nữ tìm lại sự công bằng cho chính gia đình, cho bản thân mình và cũng là cho con gái của mình sau này. Ngày 30, mùng 1 là ngày quan trọng nhất trong năm thì cứ nội 1 năm, ngoại 1 năm cho công bằng. Thắp hương cho tiên tổ, ấm cúng sum vầy bên nhau trong phút giây giao thừa thì nội hay ngoại cũng muốn như nhau. Nói chung cứ thuận theo lẽ tự nhiên của đạo, của đời, của nhân tâm con người là cách cư xử đẹp nhất, mọi người thấy có đúng không?