Khoảng 5 giờ sáng 5-2 (tức mùng 1 Tết Kỷ Hợi), dù trời vẫn còn tối mịt nhưng hàng ngàn người dân địa phương và du khách đã nô nức đổ về phiên chợ Gò. Mang tiếng là chợ nhưng ở đây không có những sản phẩm cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở nhiều chợ khác.
Sản phẩm được đem ra mua bán ở chợ Gò chủ yếu là "cây nhà lá vườn" của những cư dân quanh vùng nuôi trồng được. Người đi chợ chủ yếu mua trầu cau, các loại cây trái để "lấy lộc" hoặc mua đủ thứ đồ ăn tươi, từ các loại rau xanh mơn mởn, đến các loại tôm cá tươi rói.
Tại phiên chợ Gò, người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Người bán nhỏ nhẹ, người mua từ tốn, cứ như cả hai đang trao và nhận những điều tốt đẹp nhất đầu năm, không một lời qua tiếng lại ì xèo như những phiên chợ khác.
"Năm nào cùng vậy, cứ đến sáng mùng 1 Tết là gia đình tôi đến chợ Gò mua trầu cau hoặc rau muối để cầu may. Tại phiên chợ này, người bán nói bao nhiêu tiền tôi trả bấy nhiêu chứ chưa bao giờ mặc cả giá", bà Thái Thị Hòa (ngụ phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ.
Đến chợ Gò, người dân và du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương, như nem Chợ Huyện, chim mía ở Lộc Lễ, rượu nếp Trường Úc...; chiêm ngưỡng tài viết chữ "phượng múa rồng bay" trên liễn đối và được tham dự nhiều trò chơi dân gian truyền thống mang đậm nét văn hóa miền đất võ Bình Định, như múa lân, đánh cờ, đập bong bóng, bài chồi đối đáo, đặc biệt là màn giao lưu múa võ cổ truyền tôn vinh miền đất Tây Sơn Thượng Đạo năm xưa.
Nói đến chợ Gò, hầu như người dân Bình Định nào cũng biết nhưng khi hỏi về ngày "thành lập" chợ thì chẳng ai nhớ. Tương truyền, phiên chợ Gò có hàng trăm năm từ thời 3 anh em nhà Tây Sơn. Đến nay, phiên chợ Gò vẫn tồn tại, gìn giữ nét mộc mạc của một phiên chợ quê truyền thống của người dân. Nó xuất phát từ lòng biết ơn cổ nhân và những ước vọng về một năm mới an vui, hạnh phúc, may mắn.
Có lẽ chính vì những nét đặc sắc riêng của mình mà năm 2011, chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào hạng "100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam".