Đã hơn 1 tháng sau vụ việc ngày 2/3, gần 100 đứa trẻ ở trường tiểu học Phạm Văn Đồng và Trường mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) lần đầu uống sữa tươi 100% trong chương trình sữa học đường ở trường, bị nôn, đau bụng phải đưa vào Bệnh viện Tân Phú cấp cứu vì nghi ngộ độc; cho đến ngày 8/4, 11 trẻ vẫn còn phải chạy ra chạy vào các bệnh viện do nôn, tiêu chảy, táo bón, viêm đường hô hấp…
Trong khi các cơ quan chức năng từ xã, huyện đến tỉnh vào cuộc ráo riết, cùng kết luận vụ việc là do các trẻ bị hội chứng kích thích dạ dày, ruột với sữa tươi, kết quả kiểm định chất lượng sữa là phù hợp quy chuẩn…
38 ngày lao đao
Theo dõi của chúng tôi với 3 trường hợp đang nằm điều trị tại phòng số 6, khoa tiêu hóa Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1: 18g30, ngày 7/4, bé Như ý vừa ói xong một trận; 20g, bé Ngọc Mai nổi mẩn ngứa khắp người; 21g, bé Ngọc Lan lại đau bụng quằn quại, phải chạy lên phòng cấp cứu được bác sĩ cho bơm thông hậu môn…
Ba cô bé Như Ý (5 tuổi, trường mầm non Phú Lộc), Ngọc Mai và Ngọc Lan (lớp 2/2, trường tiểu học Phạm Văn Đồng), đang điều trị bệnh “vượt tuyến” tại BV Nhi Đồng 1 từ ngày 3/4.
Nguyên nhân ban đầu, theo lời chị Hương, mẹ bé Như Ý thì: “Sau vụ ngộ độc ngày 2/3, trong khi đa phần các bé đã bình thường trở lại, thì ở trường mầm non chỉ còn lại bé Như Ý và trường tiểu học Phạm Văn Đồng có 10 cháu nữa, không dứt những triệu chứng ngộ độc ban đầu, con gái tôi nôn từng cơn và đau bụng quằn quại nhiều lần trong ngày. Sau nhiều ngày nhập viện ở BV Tân Phú, BV Định Quán và BV Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai với những kết luận bệnh của con tôi rất mơ hồ từ “viêm ruột” - BV Tân Phú, “ngộ độc thức ăn”- BV Định Quán tới “rối loạn tiêu hóa” - BV Nhi đồng Đồng Nai…
Cho nên ngày 21/3 vừa qua, BV Nhi Đồng Đồng Nai nói con tôi đã ổn, cho xuất viện nhưng nhìn con gái với những trận ói và cơn đau không dứt, thay vì chở con về nhà, tôi đã quyết định đưa con lên BV Nhi Đồng 1, TP.HCM điều trị. Cùng có con, cháu bệnh nặng như tôi, gia đình Ngọc Mai và Ngọc Lan cũng đồng thời đưa các bé đi cấp cứu ở đây.
Mãi ngày 23/3, bé Ngọc Mai - chẩn đoán chứng viêm ruột được BV Nhi Đồng 1 cho xuất viện. Ngày 24/3, bé Ngọc Lan (bị táo bón) và Như Ý (nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn khác) được xuất viện. Thế nhưng, cả ba đứa trẻ về nhà đều không ổn. Ngày 30/3, bé Như Ý đã ói liên tiếp đến 8 lần. Tôi lần nữa lại phải ôm con chạy…”.
Hôm nay là ngày thứ 38 kể từ khi Như Ý cùng 90 học sinh ở xã Phú Lộc, H.Tân Phú có dấu hiệu ngộ độc sau khi uống sữa theo chương trình sữa học đường tại hai trường tiểu học Phạm Văn Đồng và trường mầm non Phú Lộc.
Trước đó, vào thứ Sáu, ngày 2/3, chị Hương đang ở gần BV Tân Phú thì nghe tiếng còi hụ inh ỏi. Xe cấp cứu liên tục nối đuôi nhau chạy vào cổng BV. Chuyển người vào xong, cánh cửa phòng cấp cứu đóng sầm lại. Chiếc xe vừa hối hả chạy ra khỏi cổng BV, một người quen chạy lại nói với chị Hương: “Con gái mày cấp cứu trỏng kìa!”.
Lúc này, con gái lớn Nguyễn Ngọc Như Ý của chị đang học ở lớp Lá 4, trường mầm non Phú Lộc. Chị Hương vội gọi điện cho cô giáo, rồi dáo dác chạy khắp hành lang tìm hướng nhìn vào bên trong phòng cấp cứu. Nhìn vào phòng không thấy Ý, chị gọi cô giáo hàng chục cuộc nhưng không ai bắt máy. Một lúc sau, nghe thông tin “có cả trăm học sinh ở Phú Lộc bị ngộ độc sữa”, chị bàng hoàng gọi những người quen cùng xã, thì được cho hay “bé Ý không ngộ độc, vẫn đang học ở trường”.
Đường về xã vẫn cấp tập những chuyến xe cấp cứu, nhưng sau khi được cô giáo chủ nhiệm xác nhận “Như Ý không nằm trong nhóm bị ngộ độc”, chị Hương thở phào. Mãi đến chiều, vừa đón con ra tới sân trường, chị đã nghe Ý khoe: “Hôm nay, con với mấy bạn đi cầu sướng luôn!”. “Cuộc chiến với ngộ độc" của gia đình chị đã bắt đầu khi suốt đường về, Ý nôn thốc nôn tháo, bụng đau quằn quại.
Đưa con lên Trạm y tế xã Phúc Lộc, BV Tân Phú rồi BV Định Quán, chị Hương cùng hàng chục phụ huynh đang nơm nớp bên những đứa trẻ vẫn nôn ói, táo bón và đau bụng đau đầu quằn quại suốt năm lần bảy lượt nhập viện. Cuộc ngộ độc tập thể sau đó được rất nhiều báo đưa tin. Có ít nhất 90 học sinh, gồm 70 em học trường tiểu học Phạm Văn Đồng, 20 em trường mầm non Phú Lộc bắt đầu có các triệu chứng trên từ 20 phút sau khi uống sữa tại trường vào sáng 2/3.
Giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo phòng GD-ĐT thay phiên túc trực. Sau một ngày cấp cứu ở trung tâm y tế cấp xã, huyện, gần 80 học sinh được đánh giá là ổn định và cho về. Nhưng chỉ đến hôm sau, hơn 30 học sinh tái nhập viện. Rồi suốt 29 ngày đi qua 5 BV nội tỉnh, được chẩn đoán là “rối loạn tiêu hóa”, các em được cho xuất viện khi chưa thuyên giảm triệu chứng, rồi lại vào viện khi cơn đau làm rối lòng cha mẹ.
Trời sập tối, xã Phú Lộc mưa tầm tã. Quán sửa xe của anh Đoàn Phước Long vẫn đông khách. Người xe ôm cho tôi xuống trước quán, vừa lấy giọng trêu ông chủ: “đông khách dữ!”. Bên chiếc bàn nhựa bấy lâu vẫn để tiếp khách hàng, anh Long đang tiếp những phụ huynh có cùng nỗi lo “con bị ngộ độc cả tháng trời”. Lúc này, cả nhóm phụ huynh đang xôn xao vì anh Nguyễn Huỳnh Thuật, phụ huynh bé Nhật Minh (lớp 2/2 trường tiểu học Phạm Văn Đồng) vừa tạt qua báo tin sau khi đi thẳng vào trường tiểu học Phạm Văn Đồng, “thấy tụi nhỏ vẫn ói ngay trong lớp”.
Suốt một tháng nay, anh Long và quán sửa xe cùng lao đao theo tình hình sức khỏe của con gái Đoàn Nguyễn Quỳnh Như (lớp 2/2 trường tiểu học Phạm Văn Đồng). Từ ngày bị ngộ độc cùng 90 học sinh ở xã Phú Lộc, đi qua nhiều BV với cùng một đề nghị của bác sĩ là “cho về nhà tự chăm sóc”, Như vẫn không hề thuyên giảm.
Ngày 30/3, Như cùng 6 bạn nữa được tách lớp chuyển sang học buổi chiều, vì… hay ói. Buổi sáng, cứ tầm 8-9g, 7 em được đánh giá là bị nặng nhất trong các ca ngộ độc lại ói, giáo viên chủ nhiệm vì phải lo cho các em mà không tập trung.
Khi mà “ngay cả BV Nhi Đồng Đồng Nai cũng trả về”, anh Long chấp nhận theo chủ trương của nhà trường, cho bé xuất viện. Từ đó đến nay, cứ sáng dọn đồ ra làm chưa đầy một giờ, anh lại nghe cô giáo chủ nhiệm gọi báo “bé đau, ói”, rồi sấp ngửa chạy lên lo cho con. Ngày thường, quán sửa xe bình dân của anh thu nhập chừng 200.000 đồng, cộng thêm tiền lương công nhân của vợ là đủ trang trải tiền học cho hai con. Nhưng sau một thời gian Như nằm viện, quán sửa xe liên tục đóng cửa, thu nhập hiện tại chưa được phân nửa vì khách bỏ đi hết.
Lúc này, Quỳnh Như đang ngồi xem phim trong căn phòng ngủ xập xệ của cả nhà. Cô bé 7 tuổi đưa ba ngón tay lên khoe “con sút 3kg rồi đó!”, rồi “mỗi lần đau bụng là con đau đầu giống như bị nhấc lên trời”. Phép so sánh này tôi vừa được nghe chị Nhài - mẹ bé Đặng Thị Thanh Trâm (lớp 2/2, trường tiểu học Phạm Văn Đồng) nhắc đến khi chị cố lặp lại lời miêu tả của con. Rồi như vừa khơi lại nỗi bức xúc, chị nói: “Giờ ai nói gì tui cũng được. Tui vì con tui tui... chơi tới cùng, miễn sao con tui khỏe là được!”.
Ngộ độc hay không ngộ độc
Thực sự cho đến thời điểm này, câu hỏi: “Có gì liên quan giữa việc uống sữa tươi với việc các bé nôn, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, ho, sốt suốt những ngày qua hay không? Các bé có bị ngộ độc hay không và thật sự đã và đang bị bệnh gì?” của các phụ huynh đã không được trả lời thỏa đáng.
Ngay sau khi sự việc xảy ra đến nay, các cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh Đồng Nai đều vào cuộc. Ngày 2/4, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, sở đã chỉ đạo Chi cục An toàn - Vệ sinh thực phẩm vào cuộc, chủ trì nhiều buổi kiểm tra, làm việc, theo dõi tình hình sức khỏe các cháu.
Trước đó, trong những ngày phóng viên ghi nhận thực tế ở Tân Phú, các cơ quan chức năng cho thấy sự tận tình, trách nhiệm. Bà Trương Thị Kim Huệ - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh nói: “Ngay sau khi xảy ra sự cố, sở đã theo sát từ khâu sơ cấp cứu ban đầu cho đến lập biên bản, niêm phong số sữa và vỏ hộp sữa để gửi đơn vị có chức năng kiểm định chất lượng sản phẩm.
Chúng tôi cũng yêu cầu Phòng GD-ĐT H.Tân Phú và nhà trường cử cán bộ, giáo viên theo sát tình hình. Riêng 11 cháu bé đến nay chưa ổn định sức khỏe, cũng được chúng tôi theo dõi sát sao và động viên các gia đình liên tục”.
Ngày 3/4, Phòng GD-ĐT H.Tân Phú đã tổ chức xe đưa 10 cháu xuống BV Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai để kiểm tra sức khỏe thêm lần nữa. Lúc này bé Như Ý vì đau bụng và ói đã được gia đình đưa đi BV Nhi Đồng 1 xin điều trị từ ngày 31/3 nên không đi cùng đoàn.
Trên chuyến xe, hai bé Ngọc Mai và Ngọc Lan liên tục nôn và đau bụng. Anh Nguyễn Huỳnh Thuật, phụ huynh bé Nhật Minh cho biết: “Các bé khác khá hơn, nhưng cũng kêu đau đầu, đau bụng suốt dọc đường. Nhìn các cháu có người nói bị say xe, nhưng con tôi và các cháu này đều không bị say xe - chúng tôi đã đi cùng nhau và biết khá rõ”. Tuy nhiên, khi gia đình Ngọc Mai và Ngọc Lan đề nghị được nhập viện điều trị, thì các bác sĩ ở phòng cấp cứu BV Nhi Đồng Đồng Nai từ chối vì cho biết, tình hình các bé không nghiêm trọng, có thể về uống thuốc theo toa.
Nhìn con bị đau đến tay chân tím ngắt, nằm oặt trên người, chị Tống Thị Hằng không kìm được nước mắt, nói giá nào cũng phải cứu con. Các phụ huynh còn lại cũng xót xa, cùng góp tiền dúi vào tay chị, gọi thuê xe, đưa ngay bé Ngọc Mai và Ngọc Lan xuống BV Nhi Đồng 1 TP.HCM.
Do cả hai bé đều là bệnh nhi cũ, vừa xuất viện chưa lâu, trong giấy ra viện còn có lời hẹn tái khám khi có dấu hiệu bất thường nên chiều tối 3/4, sau khi nhập phòng lưu theo dõi hơn 5 giờ, 3 bé Như ý, Ngọc Mai và Ngọc Lan đã nhập viện vào khoa tiêu hóa BV này.
Đáng nói là kết quả xét nghiệm cả 10 cháu bé sáng 3/4 của BV Nhi Đồng Đồng Nai, một lần nữa làm gia đình các bé hoang mang, dù với các triệu chứng khác nhau, bé ói, bé đau bụng, bé tiêu chảy, đi cầu ra máu, bé táo bón, bé ho, bé sốt… nhưng đều được chẩn đoán “khó tiêu chức năng K30”.
TS-BS Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 TP.HCM - khẳng định: “Không thể kết luận các bé bị khó tiêu chức năng, bởi để gọi một trường hợp là khó tiêu chức năng, những người mắc triệu chứng này phải có các biểu hiện ít nhất hai tháng, mỗi tháng phải có 4 ngày liên tiếp xảy ra triệu chứng”. Ông cho rằng, do các bé thật sự không phải là những hợp có bệnh lý và bị những rối loạn về tiêu hóa nên khi nhập mã phân loại quốc tế về bệnh tật (tiếng Anh: International Classification of Diseases, viết tắt là ICD) được quy về một mối K30 nên mới cho ra kết quả giống nhau hàng loạt vậy.
Xác nhận thông tin này, ThS-BS Nguyễn Lê Đa Hà - Giám đốc BV Nhi Đồng Đồng Nai - cho biết: “Qua hồ sơ khám bệnh và các kết quả xét nghiệm cho thấy hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng bệnh lý. Mà đây là các triệu chứng cơ năng - phần nhiều phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của các bé.
Do các bé rất muốn được phụ huynh, người lớn xung quanh quan tâm nên có những phản ứng cơ năng như ói, đau bụng để được quan tâm, yêu thương. Về nguyên nhân hàng loạt bé bị ói, hay đau bụng, cũng xuất phát từ hội chứng lây lan tâm lý. Việc ói, chóng mặt, hay ngất xỉu hàng loạt ở học sinh, công nhân… trước nay vẫn thi thoảng xảy ra ở nhiều nơi…
Chính vì xác định tình trạng các cháu không có bệnh lý, không nguy cấp nên các bác sĩ đã không đề nghị nhập viện hay chuyển tuyến. Hoàn toàn không có chuyện tình trạng sức khỏe các cháu suy kiệt mà BV từ chối nhập viện. Việc xác định mã K30 - cho các triệu chứng rối loạn tiêu hóa mà thành hàng loạt các cháu có kết quả bị “khó tiêu chức năng” nằm ngoài kiểm soát vì đây mã quy chuẩn quốc tế của nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa chức năng.
Chẩn đoán K30 là phù hợp nhất cho tình trạng hiện tại của các bé. Tuy nhiên, với từng trường hợp bác sĩ khám bệnh đều có lời khuyên, dặn dò trực tiếp với từng phụ huynh. Việc hai bé Ngọc Mai và Ngọc Lan tự chuyển tuyến là lựa chọn của gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chờ đợi kết quả từ BV Nhi Đồng 1”.
Liên quan đến câu hỏi có liên quan gì không giữa việc uống sữa và tình trạng sức khỏe 11 cháu bé, BS Đa Hà cho rằng: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi không đủ bằng chứng quy kết nguyên nhân là do uống sữa”.
Còn ông Nguyễn Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục An toàn - Vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai - khẳng định: “Vụ việc xảy ra khiến các trẻ phải nhập viện sau khi uống sữa ngày 2/3 là hội chứng kích thích dạ dày ruột với sữa tươi. Nguyên nhân là do ngày đầu tiên các học sinh uống sữa tươi 100%. Ngày 30/3, trong buổi làm việc mới nhất của chi cục với các đơn vị, chúng tôi đã giao trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe của các trẻ cho Phòng y tế, Trung tâm y tế H.Tân Phú, trường mầm non Phú Lộc và trường tiểu học Phạm Văn Đồng”.
Được biết, sáng 8/4, cô hiệu trưởng trường tiểu học Phạm Văn Đồng đã gọi điện tiếp tục thăm hỏi từng phụ huynh. Cô cũng đã cùng nhà trường vận động được một nguồn kinh phí hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh của các bé (trước đó, 20/93 gia đình có bé bị ói, đau bụng nặng và phải vào viện nhiều lần sau khi uống sữa đã được ngành giáo dục Tân Phú hỗ trợ mỗi nhà 2 triệu đồng). Rõ ràng, từ khi sự việc xảy ra đến nay, không thể không ghi nhận sự nhiệt tình đến “không thể đòi hỏi gì hơn” của tất cả đại diện cơ quan chức năng Đồng Nai; sự trăn trở của các thầy cô trước hình ảnh học trò ói, đau, khóc… đều có thật.
Tuy nhiên, nửa tháng theo chân các gia đình đưa các bé đi khắp nơi khám, chữa bệnh, thấm nỗi đau, sự hoang mang và bức bối của những người làm cha, làm mẹ. Họ đau vì con ói, đi cầu không được, tiêu chảy nhiều lần, rồi sốt, ho, đau đầu, đau bụng mà không rõ nguyên nhân. Họ càng hoang mang vì không biết được bệnh lý của con.
Họ bức bối bởi không ai lý giải hay thực sự chịu trách nhiệm trả lời câu hỏi: “Có sự liên quan gì không giữa việc uống sữa và tình trạng các bé hôm nay. Vì sao trước khi uống sữa, bé hoàn toàn không bị vậy? Nếu không có gì liên quan, thì sao có đến 11 trẻ mắc vào sự ngẫu nhiên lạ kỳ như vậy? Ai chịu trách nhiệm tình trạng sức khỏe các trẻ hiện nay?”. Ngày 4/4, anh Nguyễn Huỳnh Thuật đã thay mặt các gia đình viết thư gửi Thủ tướng, yêu cầu làm rõ giúp các gia đình.
Những câu hỏi này, một lần nữa được chúng tôi chuyển về các cơ quan chức năng. Như lời bà Phan Thị Thanh Thúy - bà ngoại bệnh nhi Ngọc Lan: “Cái này ngành y tế không trả lời, giải thích cho chúng tôi thì chúng tôi biết hỏi ai?”.