Theo thông tin từ Tiền Phong, những ngày đầu tháng 10, khu vực đồng bằng Bắc Bộ trải qua một đợt nắng nóng cục bộ, điều rất hiếm gặp trong nhiều năm trước đó. Hàng loạt các khu vực ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 10.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 11/2023, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa-Quảng Bình, Bắc Tây Nguyên cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,0-1,5 độ, có nơi cao hơn 1,5 độ. Các khu vực khác cao hơn từ 0,5-1 độ.
Trong nửa đầu tháng 12/2023, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn 1,5- 3 độ so với trung bình nhiều năm, đặc biệt khu vực Tây Bắc Bộ cao hơn từ 3-4 độ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những tháng đầu mùa đông năm nay khá điển hình cho một năm chịu tác động của El Nino với mùa đông đến muộn, nền nhiệt cao.
Tuy nhiên, trái ngược với nửa đầu tháng 12, từ nửa cuối tháng 12, miền Bắc và Bắc Trung Bộ có thể đón rét dị thường khi nhiều đợt không khí lạnh mạnh liên tiếp sẽ tràn xuống nước ta.
Dự báo liên tiếp không khí lạnh tăng cường sẽ tràn xuống miền Bắc khiến trời rét đậm, rét hại kéo dài.
Trời chuyển rét đột ngột là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều trẻ suy yếu khả năng miễn dịch, dễ mắc các loại bệnh hô hấp.
Dẫn tin từ VnExpress, trẻ có nguy cơ nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi... Thời tiết lạnh tạo điều kiện cho virus phát triển, khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, chán ăn, bỏ ăn, quấy khóc.
Do đó, bố mẹ cần biết giữ ấm cho trẻ để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, đặc biệt là vào ban đêm và khi đi ra ngoài. Song, "khó khăn của nhiều bà mẹ là không biết con mình mặc đủ ấm hay chưa, mặc ít thì sợ lạnh, mặc nhiều thì sợ trẻ vận động ra mồ hôi bị thấm ngược trở lại", bác sĩ nói.
Để nhận biết, bác sĩ đưa ra khuyến cáo "4 ấm, 1 lạnh", tức là chú ý 4 điểm trên cơ thể con luôn cần giữ ấm, gồm bàn tay, bàn chân, ngực và lưng, riêng phần đầu cần được để thoáng mát.
Cụ thể, gia đình nên giữ bàn tay con ấm, không bị lạnh, không đổ mồ hôi. Phần lưng trẻ cần được giữ ấm vừa phải, hạn chế đổ mồ hơi nhiều và không được lau kịp thời, dẫn đến thấm ngược vào trong cơ thể, khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Nếu bố mẹ thấy cổ và lưng của trẻ lạnh, điều đó có nghĩa là con cần được mặc thêm quần áo.
Bụng được giữ ấm sẽ giúp bảo vệ dạ dày của trẻ. Nếu bụng lạnh, dạ dày lạnh sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn của con.
Cuối cùng, bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể bởi vì dưới bàn chân có rất nhiều mạch và huyệt. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần lưu ý giữ ấm, đi tất cho bé dù ở trong nhà, đi thêm giày khi ra ngoài.
Nguyên tắc một lạnh, tức là không vì trời lạnh mà bố mẹ trùm kín đầu trẻ bằng mũ suốt cả ngày. Theo các chuyên gia, khi ở trong nhà, để đầu trẻ thông thoáng, thoải mái, không cần đội mũ. Chỉ khi đi ra ngoài, trẻ mới cần đội mũ để giữ ấm.
Một số lưu ý khác như không nên lầm tưởng cứ mặc áo len, áo khoác dày là ấm. Cách tốt nhất là mặc đồ theo lớp để dễ dàng điều chỉnh quần áo phù hợp với nhiệt độ cơ thể trẻ. Không mặc quá 4 lớp áo, khiến trẻ khó cử động và bí bách, thậm chí ra mồ hôi. Đối với lớp quần áo trong cùng nên cho trẻ mặc chất phông, cotton ôm khít cơ thể, tiếp theo là áo len, áo khoác, đội mũ và găng tay khi ra ngoài. Khi đi ngủ, trẻ cần đắp thêm chăn hoặc dùng túi ngủ.
Khi thời tiết chuyển lạnh, không nên cho em bé mặc quần áo quá dày ngay. Mẹ nên để bé mặc nhiều đồ dần dần, giúp trẻ cải thiện khả năng chịu lạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh.
Không nên ủ hay quấn trẻ quá mức, có thể cản trở quá trình hô hấp của trẻ. Tránh sử dụng những chiếc khăn dài quấn cổ; chăn dày, nặng; đệm mềm, nhẹ; chăn điện hay đệm điện, máy sưởi... dễ khiến trẻ nghẹt thở, bỏng hay mắc kẹt.
Bố mẹ nên xây dựng thực đơn với những nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Với trẻ sơ sinh nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.