Khi mang thai, các dây chằng trở nên căng và dày hơn để hỗ trợ cho tử cung. Đồng thời, vào 6 tháng cuối thai kỳ, thai nhi phát triển nhiều, dẫn đến việc dây chằng cũng phải mở rộng và dày lên để đủ sức hỗ trợ tử cung, nâng đỡ trọng lượng bé, nước ối, nhau thai,...
Việc kéo dài của dây chằng dẫn đến tình trạng đau bụng dưới, có khi đau sâu ở bên trong háng, kéo dài lên phía trên và ra phía ngoài hai bên đầu hông, có thể đau ở một hoặc cả hai bên bụng của mẹ bầu, đau nhói khi đột ngột thay đổi vị trí hoặc đau âm ỉ ở phần bụng dưới khi làm việc quá sức. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh gần đó và gây ra đau. Đặc biệt nếu tử cung của mẹ bầu bị lệch sang phải thì mẹ sẽ cảm thấy đau nhiều hơn.
Dấu hiệu đau dây chằng khi mang thai
Đau khi đứng hay ngồi quá lâu.
Cảm thấy đau nhói khi đột ngột thay đổi vị trí như: Đứng, ngồi, rời khỏi giường hay thậm chí chỉ vì ho.
Đi bộ hay làm việc quá sức khiến mẹ bầu cảm thấy các cơn đau âm ỉ ở bụng dưới.
Các cơn đau thường xuyên xuất hiện ở lưng, đùi xương chậu hoặc phần bụng.
Cảm giác nặng trịch ở vùng xương chậu, đau ê ẩm và có cảm giác như con sắp chào đời.
Thường xuất hiện ở các mẹ đã từng sinh con hơn là những mẹ mới mang thai lần đầu.
Đau dây chằng khi mang thai rất nguy hiểm khi đi kèm các triệu chứng khác như: Đau kéo dài, chảy máu, co thắt, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, ói mửa... Nếu xuất hiện tình trạng này mẹ bầu nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.
Biện pháp chữa chứng đau dây chằng khi mang thai
Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý
Bà bầu nên có một chế độ làm việc nhẹ nhàng, thư giãn, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Theo đó, khi bắt đầu xuất hiện những cơn đau thì mẹ bầu nên ngừng công việc để nghỉ ngơi cho đến khi cơn đau dứt hẳn và không nên cố gắng tiếp tục làm việc sẽ khiến triệu chứng thêm trầm trọng. Trường hợp, mẹ bầu làm việc văn phòng thì sau khoảng 45 phút đến 1 tiếng, nên thư giãn khoảng 5 phút để tránh tình trạng đau dây chằng.
Thay đổi thói quen vận động
Khi mang thai, mẹ bầu nên thường xuyên vận động cơ thể nhưng không được vận động mạnh, tránh những môn thể thao cần nhiều sức. Theo đó, nên vận động và rèn luyện với các bài tập nhẹ nhàng, môn thể thao vừa sức như đi bộ, yoga... Đặc biệt, đi bộ là cách rất hiệu quả để giảm các cơn đau dây chằng và mẹ bầu nên sử dụng giày thể thao để các dây chằng tại chi dưới di chuyển linh hoạt hơn.
Tư thế ngủ đúng cách
Tư thể ngủ đúng cách là điều rất quan trọng với bà bầu để tránh các chứng bệnh như đau lưng, đau hông, đau xương chậu... hay ngủ không sâu giấc. Theo đó, bà bầu nên nằm nghiêng về phía bên trái, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, giảm áp lực tới dây chằng và còn tránh ép tim gây khó thở, giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn.
Massage thư giãn
Khi đau dây chằng, mẹ bầu có thể massage nhẹ nhàng bằng cách xoa bóp thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh giảm những cơn đau rất tốt. Ngoài ra, có thể ngâm mình trong nước ấm khoảng 10 -15 phút hoặc tắm vòi sen sẽ làm dịu các cơn đau nhanh chóng. Bên cạnh đó, có thể dùng khăn ấm đắp vào vùng giãn dây chằng, nhiệt độ nóng sẽ giúp làm giãn mạch máu giúp máu lưu thông tốt hơn giảm cơn đau, tạo cảm giác dễ chịu cho mẹ bầu.
Dùng đai đỡ bụng
Mẹ bầu có thể dùng đai đỡ bụng để giảm áp lực của trọng lượng cơ thể lên vùng dây chằng. Theo đó, nên chọn các loại đai đỡ bụng phù hợp để dùng trong một số trường hợp như: Đi làm, đi xe đường dài, vận động sẽ giúp giảm đau đớn rất tốt. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng đai đỡ bụng bởi khi đó các cơ được hỗ trợ sẽ làm việc ít đi, có thể kéo theo những hệ quả về vấn đề giảm trương lực cơ sau sinh.