Vặn mình ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý khá phổ biến nếu như bé chỉ vặn người, gồng mình, kèm theo đỏ mặt trong vài phút rồi tự biến mất. Thông thường, hiện tượng này sẽ xuất hiện khi trẻ được khoảng 2-3 tháng tuổi nhưng cũng có khi sớm hơn khoảng 10 đến 15 ngày sau sinh.
Tuy nhiên, nếu bé có một số dấu hiệu khác thường như: Thường xuyên vặn mình, gồng người đỏ mặt, biếng ăn, quấy khóc nhiều... thì bố mẹ cần theo dõi hoặc đưa bé đi khám, vì nó có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi, mệt mỏi, nôn trớ...
Biểu hiện trẻ sơ sinh vặn mình
Dấu hiệu bình thường
Bé chỉ vặn mình, gồng người, kèm theo đỏ mặt trong vài phút rồi tự biến mất. Thông thường tình trạng này sẽ giảm dần khi bé được 2 đến 3 tháng tuổi. Ngoài ra, nếu bé vẫn ngủ đủ giấc, ăn tốt và lên cân bình thường thì bố mẹ không cần lo lắng.
Dấu hiệu bất thường
Tình trạng vặn mình sẽ thật sự có vấn đề khi trẻ khó ngủ hoặc ngủ ít cả ngày lẫn đêm (ngủ ít hơn 15 tiếng/ ngày). Bên cạnh đó, trẻ sẽ thường quấy khóc vào ban đêm, đồng thời đổ nhiều mồ hôi, hay nấc, trớ, rụng tóc hình vành khăn, chậm lên cân trong 3 tháng đầu. Đây chính là dấu hiệu trẻ bị thiếu canxi hoặc còi xương. Ngoài ra, trẻ vặn mình khi ngủ cũng có thể là do trẻ không được bú đủ, tã ướt, trời quá nóng, quá lạnh.
Mẹo chữa vặn mình ở trẻ sơ sinh
Thay đổi thói quen chăm sóc
Bố mẹ nên cho bé mặc quần áo rộng rãi và thoải mái để tránh gây nóng, ngứa ngáy khi bé ngủ.
Đảm bảo ga nệm sạch sẽ, bằng phẳng và thường xuyên kiểm tra tã để bé luôn được khô thoáng và dễ chịu, tránh tình trạng trẻ sơ sinh vặn mình.
Chú ý nhiệt độ phòng, không bao giờ để bé bị nóng hoặc lạnh quá (duy trì ở mức 27 - 28 độ C). Trường hợp, trẻ nằm phòng điều hòa, bố mẹ nên đặt 1 chậu nước trong phòng để tránh làm khô da và mũi của bé.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé đang ăn dặm để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy,... Đối với trẻ bú mẹ, mẹ nên ăn uống những thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản… để trẻ sơ sinh không còn bị vặn mình.
Xoa dịu bé
Khi trẻ sơ sinh vặn mình, bố mẹ có thể ôm con vào lòng, vuốt ve, âu yếm để bé cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
Sự lo lắng, căng thẳng của mẹ có thể khiến bé "bất an" theo. Do vậy, mẹ nên cố gắng hạn chế điều này bởi khi cảm thấy an toàn bé sẽ không còn vặn mình.
Trường hợp trẻ hay nôn trớ, ọc sữa cần thay đổi cách cho bé bú, không đặt bé nằm ngủ ngay sau khi bú.
Chuyển hướng sự chú ý của bé sang thứ khác, như cho bé cầm đồ chơi hoặc nhìn con vật, hiện tượng thú vị nào đó khi trẻ bị vặn mình.
Tắm nắng thường xuyên
Trẻ sơ sinh hay vặn mình có thể do thiếu vitamin D, đặc biệt đối với những bé sinh non. Vì vậy, bố mẹ nên cho bé tắm nắng thường xuyên để bổ sung lượng vitamin D cần thiết. Thời gian tắm nắng cho bé thích hợp nhất là khoảng từ trước 9h sáng sau 5h chiều (vào những ngày trời lạnh, mẹ có thể tắm nắng cho trẻ từ 3-4 giờ chiều).
Mẹ ăn uống đầy đủ, tránh kiêng khem
Khi mới sinh, nguồn canxi của bé được cung cấp hoàn toàn từ sữa mẹ. Vì vậy, mẹ cần ăn uống đầy đủ, tăng cường các thực phẩm giàu canxi như cá hồi, cá ngừ, cá thu, các loại cá nhỏ có thể ăn luôn xương và uống thêm các thực phẩm bổ sung canxi. Thực đơn đa dạng, đầy đủ canxi của mẹ chính là một cách gián tiếp để giúp bé không bị vặn mình.