Hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh không phải là hiếm gặp, nếu để ý bố mẹ sẽ thấy mắt bé lệch lệch trong khoảng vài tháng đầu đời, từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu sẽ cải thiện dần, hai mắt bé dần dần nhìn thẳng lại. Nhưng nếu qua sáu tháng mà mắt bé vẫn "đi lang thang lệch nhau" kèm theo biểu hiện phải nghiêng đầu hay nheo mắt để nhìn đồ vật xung quanh thì có thể là bé bị các tật về mắt. Cùng tìm hiểu kỹ xem hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân khiến bé bị mắt lác và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của em bé thế nào, cách khắc phục mắt lác ở trẻ sơ sinh thế nào nhé.
Tìm hiểu hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh
1, Hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh là gì?
Trẻ sơ sinh bị mắt lác có nguy hiểm?
Mắt lác ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hai mắt lệch hướng nhau, có thể là lệch một trong hai hoặc cả hai mắt so với bình thường. Sự lệch hướng có thể là hướng vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Tình trạng này ở bé sơ sinh thì khá khó phát hiện, thỉnh thoảng, các bố mẹ để ý mới có thể nhận thấy nó.
Mắt lác thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và tiếp tục kéo dài trong vài tháng tiếp theo. Để xác định bé có phải mắt lác thật hay không thì ít nhất cũng phải 1 tuổi mới có thể tiến hành thăm khám, và khoảng 2 tuổi trở ra thì mới chẩn đoán chính xác được.
2, Nguyên nhân gây mắt lác ở trẻ sơ sinh
Chứng lác mắt ở trẻ sơ sinh có phải là thường gặp?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh. Trong đó những nguyên nhân phổ biến nhất là:
- Do hệ thần kinh chưa phát triển ở trẻ sơ sinh nên khiến cho việc điều khiển đôi mắt chưa được thật sự phối hợp khiến cho hai mắt bị lệch nhau. Hiện tượng này sẽ được cải thiện và mắt bé sau sẽ bình thường khi hệ thần kinh bé phát triển đầy đủ và thuần thục hơn, cụ thể là từ tháng thứ 6 trở ra là mắt bé sẽ dần không còn dấu hiệu lác mắt nữa.
- Do yếu tố di truyền
- Bé mắc các vấn đề về thị giác như đục thủy tinh thể, loạn thị, cận thị, viễn thị bẩm sinh.
Ngoài ra còn có một số điều kiện tác động làm tăng nguy cơ mắt lé ở trẻ sơ sinh là:
- Bé mắc hội chứng Down
- Bé bị chấn thương ở đầu
- Bé bị chấn thương cơ hoặc thần kinh như di chứng của sốt cao, co giật cơ,...
- Bé sinh non
3, Dấu hiệu mắt lác ở trẻ sơ sinh
Dấu hiệu nhận biết chứng lác mắt ở trẻ sơ sinh
Hầu hết ở các bé sơ sinh hay đang tuổi biết đi thì hiện tượng mắt lác không gây bất kỳ vấn đề nào về tầm nhìn cho bé cả. Trong hầu hết các trường hợp thì là bố mẹ hoặc các giáo viên mới là những người nhận ra sự bất thường ở mắt các bé.
Quan sát hàng ngày các bạn sẽ thấy bé có một số biểu hiện:
- Bé thường nhìn thấy hình ảnh đôi (nhìn thấy hình ảnh hai vật thay vì một vật)
- Tầm nhìn kém
- Nhìn hay nheo mắt
- Nghiêng đầu để xem hoặc nhìn ngắm được rõ hơn.
4, Điều trị hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh
Cách chữa lác mắt cho trẻ sơ sinh
Nếu nguyên nhân là do sự phối hợp và điều khiển của hệ thần kinh của bé chưa nhuần nhuyễn thì không có gì đáng ngại. Sau bé lớn lên thì hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh sẽ mất đi. Nhưng quá 6 tháng tuổi mà bé không cải thiện tình hình thì có thể bé đang mắc tật về mắt nào đó, có thể là bé bị lác mắt thật, bên cạnh việc nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ để có kết luận chính xác tình trạng mắt của bé nhé thì các bố mẹ có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục mắt lé ở trẻ sau đây càng sớm càng tốt (Điều trị lác mắt cho trẻ dưới 3 tuổi thành công đến 92%, bé càng lớn tỷ lệ giảm dần).
Điều trị mắt lác ở trẻ bằng băng mắt
Trẻ bị mắt lác sẽ được đeo một miếng băng che mắt bình thường lại. Khi đó, sẽ buộc mắt bị lác phải hoạt động nhiều hơn để "nhìn thấy". Cách này được xác nhận khá hữu ích và có hiệu quả dài lâu, giúp tăng cường tầm nhìn và thị lực ở mắt yếu hơn, khôi phục được sự liên kết chặt chẽ ở hai mắt.
Ở trẻ sơ sinh đang tuổi tập đi sẽ dùng bản vá mắt/miếng băng mắt trong 2-3 giờ mỗi ngày, bị nặng hơn có thể đeo 4-6 tiếng tùy tình trạng.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng điều trị lác cho trẻ
Nếu bé quá nhỏ không thể đeo miếng che mắt thì các bác sĩ có thể chuyển sang sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng riêng. Thuốc này sẽ tạm thời làm giảm tầm nhìn của mắt bình thường, giúp cho mắt bị lệch sẽ hoạt động mạnh hơn và từ từ về "thẳng".
Tiến hành phẫu thuật chữa mắt lác ở trẻ
Nếu băng che mắt hay thuốc nhỏ mắt không có hiệu quả như mong muốn thì các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc phẫu thuật cơ mắt để xử lý tình trạng lác mắt ở trẻ. Ca phẫu thuật cũng đơn giản, thậm chí trẻ còn không phải ở bệnh viện theo dõi qua đêm.
Các bố mẹ chú ý là tất cả những biện pháp điều trị mắt lác ở trẻ sơ sinh đều phải theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ chứ không tự tiện áp dụng. Cách tốt nhất, lựa chọn được phương pháp điều trị tốt nhất cho các bé đều phải có sự thăm khám của các chuyên gia, bác sĩ về mắt.
Hy vọng rằng bài viết về hiện tượng mắt lác ở trẻ sơ sinh sẽ giúp các bạn hiểu thêm về lác mắt cũng như cách biện pháp khắc phục đơn giản. Bạn có kinh nghiệm hay bài tập về mắt nào giúp điều trị lác mắt ở trẻ sơ sinh không? Cùng chia sẻ để mọi người cùng biết dưới phần bình luận nhé các bố mẹ ơi.