Chóng mặt là một vấn đề phổ biến mà nhiều bà mẹ mang thai gặp phải. Trên thực tế, triệu chứng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên sẽ rất nguy hiểm nếu mẹ bầu đang ở một mình. Chóng mặt, hoa mắt dễ dẫn đến ngất xỉu. Ngất xỉu trong khi mang thai có thể rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Trường hợp bà mẹ sau đây là một ví dụ.
Ngày 19/4 vừa qua, tại trạm tàu điện ngầm Damai của Kuala Lumpur (Malaysia) đã xảy ra một sự cố đáng tiếc. Một bà mẹ 26 tuổi đang mang thai đột nhiên bị ngất khi đang đứng tại nhà ga và ngã xuống đường ray.
May mắn hệ thống tàu điện ngầm tại đây được trang bị thiết bị dừng khẩn cấp khi có vật nặng hơn 7kg xâm nhập đường ray. Nhờ vậy mẹ bầu này và em bé trong bụng mới được cứu mạng. Tuy nhiên, sau cú ngã, cô cảm thấy đau bụng nên đã được đội cứu hộ đưa đến bệnh viện gần nhất.
Người mẹ mang thai này đã may mắn khi em bé trong bụng không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, đôi khi chỉ những cú ngã như vậy cũng có thể dẫn đến sảy thai hay sinh non.
Trong khi đó, chóng mặt hoặc ngất xỉu là một triệu chứng phổ biến trong ba tháng đầu của thai kỳ và một số mẹ còn bị liên tục suốt chín tháng. Vậy nên mẹ bầu cần có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời khi cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Dưới đây là một vài vấn đề quan trọng mẹ bầu nên biết về triệu chứng thường gặp này.
Nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai
- Hormone tăng khiến cho các mạch máu của mẹ bầu giãn ra khi mang thai. Hiện tượng này giúp tăng lưu lượng máu đến em bé nhưng nó cũng khiến mẹ dễ bị tụt huyết áp, máu lên não kém hơn, từ đó dẫn đến chóng mặt, đau đầu.
- Một lý do khác khiến mẹ bầu dễ bị chóng mặt là lượng đường trong máu thấp khi cơ thể tự điều chỉnh theo yêu cầu về trao đổi chất.
- Những mẹ bầu bị thiếu máu hoặc bị giãn tĩnh mạch dễ bị cảm giác chóng mặt hơn.
- Trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, tử cung ngày càng phát triển có thể gây áp lực lên các mạch máu và gây chóng mặt.
Lời khuyên hữu ích về việc cần làm khi bà bầu thấy chóng mặt
- Các bà mẹ mang thai nên tránh đứng trong thời gian dài. Nếu bắt buộc phải đứng lâu, mẹ hãy nhớ nghỉ ngơi, đi lại một chút để tăng lưu thông máu.
- Khi ngồi hoặc nằm xuống, mẹ bầu hãy nhớ chuyển động tác từ từ. Ngoài ra, nên tránh sử dụng bồn tắm nước nóng và cẩn trọng khi bước ra khỏi bồn.
- Chia khẩu phần ăn một ngày thành nhiều bữa nhỏ, tránh để bụng rỗng trong thời gian dài.
- Khi đã bước sang tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu cần tránh nằm ngửa.
- Luôn mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để máu dễ lưu thông.
Cách phòng tránh ngất xỉu khi mang thai
Ngất xỉu khi mang thai là hiện tượng khá phổ biến và có nguy cơ rất lớn. Vì vậy, tốt hơn là nên đề phòng ngay từ khi mẹ bầu cảm thấy đang bị chóng mặt. Ngay khi có hiện tượng này, mẹ bầu nên:
- Hạ thấp đầu;
- Ngồi hoặc nằm xuống;
- Hít thở sâu;
- Nới lỏng quần áo nếu thấy ngột ngạt;
- Mở cửa sổ để không khí thoáng mát hơn.