Siêu âm là một phương pháp kiểm tra chẩn đoán y khoa không xâm lấn. Đặc biệt hữu ích với phụ nữ đang mang thai, để theo dõi tình trạng của con, phòng chống những rủi ro không mong muốn. Theo một đánh giá của hơn 50 nghiên cứu y khoa, siêu âm không gây nguy hiểm cho mẹ và bé, không gây dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi.
Thế nhưng, siêu âm có thể làm nóng các mô hoặc tạo ra bong bóng trong quá trình thực hiện. Các chuyên gia không chắc chắn về sự ảnh hưởng của các mô bị nóng và các bọt khí xâm thực trong thời gian dài. Vì vậy, mẹ bầu chỉ cần đi siêu âm đúng với các cột mốc thai kỳ, hoặc dưới sự chỉ định của bác sĩ là được.
Siêu âm quá nhiều là không cần thiết, sẽ gây tốn kém tiền bạc, khiến mẹ lo lắng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia, siêu âm nhiều hơn mức chỉ định, chỉ nên áp dụng với thai phụ nguy cơ cao như mẹ bầu tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, lupus hoặc sự phát triển của thai nhi bị hạn chế,...
Những cột mốc siêu âm cần thiết, mẹ bầu nên nhớ:
- Tuần thứ 12 - 14 của thai kỳ:
Đây là thời điểm tốt nhất để xác định chính xác tuổi thai của thai nhi, đồng thời đo độ mờ gáy nhằm dự đoán những bất thường nhiễm sắc thể có thể dẫn đến bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành,…
- Tuần thứ 20 - 24 của thai kỳ:
Thời điểm này giúp bác sĩ khảo sát hình thế thai nhi bao gồm cột sống, hộp sọ, các tay và chân của thai nhi, tim, thận, não, phổi,… Từ đó phát hiện kịp thời những triệu chứng bất thường của bé yêu trong bụng như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng các cơ quan nội tạng. Bên cạnh đó, trong thời điểm này còn có thể khảo sát về bánh nhau và nước ối.
- Tuần thứ 30 - 32 của thai kỳ:
Đây là thời điểm tốt nhất để phát hiện ra những biểu hiện bất thường về hình thể thai nhi xảy ra muộn như ở tim, mạch máu và một số bất thường ở não, điển hình là giãn não thất,… Đồng thời, giúp bác sĩ chẩn đoán ngôi thai, cân nặng của bé, khảo sát bánh nhau, dây rốn, nước ối, để đánh giá và dự đoán thời gian sinh, phương pháp sinh,...