Hiện đang vào mùa trái cây nhiệt đới, trong đó, măng cụt là loại quả đang đúng vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do trái cây được bán lẻ phần lớn là không bao bì, nhãn mác nên nhiều người tiêu dùng không biết phần lớn măng cụt đang tiêu thụ được nhập khẩu từ Thái Lan, hàng trong nước rất ít.
Măng cụt Thái được nhập về chợ nhiều nhất với số lượng lên tới hơn 1.000 tấn.
Năm nay do tình hình hạn mặn nên năng suất măng cụt ở các tỉnh như ở các tỉnh thành như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long,... giảm 40%-50%, ngoại trừ một số vùng của Cần Thơ có điều kiện tưới tiêu tốt thì giữ được năng suất ổn định.
Giá măng cụt năm nay tăng khoảng 20%-30% so với năm ngoái. Giá mua măng cụt loại "hàng xô" tại vườn khoảng 34.000 đồng/kg, hàng lựa loại một, loại 80 g/trái giá 50.000 đồng/kg.
Măng cụt Việt Nam thường bắt đầu thu hoạch từ tháng 4 đến cuối tháng 5. Còn măng cụt Thái Lan do được trồng ở nhiều vùng khác nhau nên mùa dài hơn. Măng cụt Thái qua Việt Nam từ tháng 4 kéo dài cho đến tháng 7.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, từ đầu mùa (ngày 15/3) đến giữa tháng 5, đã có 1.145 tấn măng cụt Thái Lan nhập chợ, giá bán sỉ đầu mùa từ 45.000-50.000 đồng/kg, nay giảm còn 21.000-40.000 đồng/kg, áp đảo về số lượng so với hàng trong nước.
Măng cụt Thái Lan được bán sỉ còn nguyên bao bì. Ảnh: NLĐ
Chị Hoa, tiểu thương ở chợ Tân Định (quận 1) cho biết, măng cụt Việt Nam có giá rẻ hơn hàng Thái 10.000 đồng. Tuy nhiên, khách của chị chuộng hàng ngon, "bao ăn" nên chủ yếu nhập măng cụt của Thái về bán giá 65.000 đồng một kg.
"Mỗi ngày tôi bán được 50-60 kg măng cụt Thái. Còn loại măng cụt Việt Nam dù giá chỉ 55.000 đồng một kg nhưng hay bị cứng và hỏng nên tiêu thụ rất chậm", chị nói trên VnExpress.
Măng cụt Việt trái nhỏ, màu đỏ tím sáng hơn hàng Thái.
Để phân biệt măng cụt Thái Lan và măng cụt Việt Nam thì rất dễ. Nếu là măng cụt Thái thì trái màu tím đậm, đều, da không có cám và được đóng thùng giấy hoặc rổ nhựa có nhãn mác thể hiện xuất xứ. Còn hàng trong nước kích cỡ nhỏ, trái không đồng đều, màu tươi hơn hàng Thái.