Lênh đênh theo thuyền ra khơi đánh hải sản, hay tảo tần một nắng hai sương thu mua tôm, cá là những hình ảnh thường nhật của những người phụ nữ nơi làng biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Non gần nửa thế kỷ lênh đênh trên biển, bà Nguyễn Thị Thu (66 tuổi, trú tại thôn Yên Thành, xã Cẩm Nhượng) không thể nào nhớ hết được bao nhiêu lần mình phải đối mặt với những bất trắc, rủi ro trong những lần đi biển, nhất là mỗi khi biển động.
"Ngày trước, lúc còn sức khỏe, mỗi chuyến đi biển của tui thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, ít năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, không thể theo các thuyền công suất lớn để đi đánh bắt xa bờ, nên đành phải đi thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ, cũng vì thế mà thu nhập không được là bao" - giọng trầm buồn mang vị mặn của biển bà Thu nói với chúng tôi.
Như đã hẹn giờ, cứ vào khoảng tầm 3 giờ chiều bà Thu lên thuyền ra khơi, sau một đêm lênh đênh trên màn đêm đặc quánh giữa bao la biển trời, rạng sáng ngày hôm sau thuyền bà cập bến. Sau khi những con cá tươi rói đã được bán hết cho thương lái, bà lại quay về với công việc đan lưới và chuẩn bị cho những chuyến đi biển tiếp theo.
Người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, nghề đi biển lại với họ lại càng khó khăn gắp bội. Bởi, công việc cực nhọc cần đến sức khỏe và sự dẻo dai, lại phải đối mặt với biết bao nhiêu hiểm nguy vốn không thể lường trước. Vậy nhưng, thu nhập từ cái nghề này lại quá bấp bênh. Khi trời yên biển lặng, gặp được "lộc biển" thì có thể kiếm được tiền triệu, song cũng có những lúc chẳng kiếm được đồng nào.
"Có những ngày đau ốm phải nằm nghỉ ở nhà, không hiểu sao trong lòng cứ thấy nhớ biển cồn cào. Dẫu biết rằng, cái nghề đi biển cũng chỉ giúp mình và gia đình đắp đổi qua ngày nhưng vẫn yêu biển vô cùng. Có lẽ, với tui cũng như nhiều chị em khác, biển đã ngấm vào máu mất rồi" - bà Thu nói.
Khi ánh mặt trời chưa ló dạng, nhưng không khí tấp nập, náo nhiệt ở chợ Cồn Gò, xã Cẩm Nhượng, đã bắt đầu từ lâu trước đó để đón chờ những chiếc thuyền đánh cá cập bến… Đây cũng là thời điểm bắt đầu cho một ngày mưu sinh của những người phụ nữ bám bờ.
Suốt mấy chục năm gắn bó với phiên chợ Cồn Gò, bà Nguyễn Thị Tiến (trú tại thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng), đủ để hiểu được những khó khăn, bộn bề của cuộc sống mưu sinh.
Cuộc mưu sinh như thể đã được lập trình sẵn, cứ tầm 3 giờ sáng, bà lại tất tả chuẩn bị ra chợ để đón thuyền về: "Ngày nào thuyền về đầy ắp tôm, cá, việc buôn bán thuận lợi, thì còn có đồng ra đồng vào, thậm chí còn dư dả để tiết kiệm. Nhưng đến mùa mưa bão, thuyền không thể ra khơi, chợ cá tạm vắng, những lúc ấy bà cũng như nhiều người khác nhớ da diết cái vị mặn mòi của biển lắm" - bà Tiến nói.
Cũng đúng thôi, bởi nguồn thu nhập chính của gia đình bà gần như tất cả chỉ trông chờ vào những chuyến tàu cấp bến. Và, để đắp đổi qua ngày bà lại phải ngược xuôi làm thuê đủ nghề để lo cho cuộc sống gia đình.
Những phận "thân cò" ở nơi này là vậy. Càng trải qua gian truân, vất vả họ lại càng biết chắt chiu, trân trọng những giá trị mà biển mang lại. Dẫu bám biển hay bám bờ, họ luôn san sẻ ngọt bùi cho nhau trong mọi vinh nhục của cuộc sống.
Dẫu những đồng tiền mặn chát mà họ phải nương theo con nước, nương theo đàn cá để mưu sinh… thấm đẫm biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả những đớn đau thể xác. Nhưng với những người phụ nữ này, biển chính là hơi thở, cuộc sống của gia đình họ.