Tiên Đào - đời không như là tên
Năm 1999, chị Lê Thị Trinh (43 tuổi, quê Đồng Tháp) kết hôn với người chồng gốc Hoa sinh sống tại phường 4, quận 6 (TP.HCM). Một năm sau, chị sinh con gái đầu lòng đặt tên là Giang Tiên Đào. Trớ trêu thay, cuộc đời em lại không tươi đẹp như tên gọi của em.
Lúc mới sinh, Tiên Đào vẫn khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Hơn 1 tuổi, trong lúc ăn cơm, em bất ngờ lên cơn co giật khiến người cứng đờ, mắt trợn ngược. Chị Trinh hốt hoảng đưa con ra trạm xá phường.
Sau khi khám xong, em được chuyển đến Trung tâm điều dưỡng tâm thần (quận Bình Thạnh) để tiếp tục điều trị. Bác sĩ kết luận Tiên Đào bị bệnh động kinh.Từ đó đến nay, cuộc sống của em là những chuỗi ngày gắn liền với thuốc thang và bệnh viện. Bệnh tật đeo bám, em không thể nói và cũng không nghe thấy gì. Mọi sinh hoạt cá nhân của em đều trông chờ hết vào mẹ.
"Mười bảy năm nay, vợ chồng tôi tập trung mọi công sức vào việc chạy chữa cho cháu Tiên Đào. Cũng may, sức khỏe của cháu đã có những tiến bộ rõ rệt. Cháu không còn co giật, không còn những trạng thái bất ổn như những năm trước", chị Trinh tâm sự với PV Vietnamnet.
Chừng ấy năm con bệnh là chừng ấy năm vợ chồng chị Trinh chưa từng nghe một tiếng gọi "ba", gọi "má". Nhưng anh chị vẫn luôn dành hết tình thương cho con.
Nhìn con gái, chị Trinh lại xót xa lòng: "Thấy hoàn cảnh mẹ con khổ cực, nhiều người khuyên đưa cháu vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật rồi sinh thêm đứa nữa nhưng tôi nhất định không đồng ý".
"Cháu nó có tội tình gì? Nó cũng rất cần tình thương của ba má, của mọi người. Chúng tôi chưa và có thể không bao giờ có ý định sinh thêm cháu bởi nếu Tiên Đào có em ai sẽ lo cho cháu?" - người mẹ đáng thương bộc bạch.
Mưu sinh khắp Sài thành
Để có tiền trang trải cuộc sống, chồng chị Trinh đi làm tại các cơ xưởng gần nhà. Công việc của anh bấp bênh, thu nhập không ổn định nên chị cũng phải đi làm mướn kiếm đồng ra đồng vào. Những ngày nghỉ, để chồng trông con, chị Trinh đi làm công cho những mối quen biết. Mỗi giờ làm chị nhận được 50.000 đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có việc để làm.
Chị Trinh ngậm ngùi: "Có những lúc cháu bệnh, trong nhà không còn tiền, tôi phải giấu hết mọi người trong nhà, tìm đến cơ sở truyền máu để... bán máu. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi qua được cơn ngặt nghèo. Sau này, ông xã và gia đình chồng biết được không cho tôi làm như thế nữa”.
Đi làm thuê không thể trông con, chị quyết định bế con đi bán từng tờ vé số kiếm sống. Đến khi con lớn không thể bế bồng, chị Trinh tích cóp mua được chiếc xe đạp. Ngày ngày, hai mẹ con đèo nhau đi khắp mọi con hẻm ở Sài Gòn mời bà con cô bác mua vé số.
Mẹ con chị chủ yếu bán ở khu vực quận 6. Những ngày Tiên Đào đi khám bệnh, hai mẹ con lại rong ruổi hành trình đạp xe hơn 20 km sang quận Bình Thạnh kết hợp vừa khám bệnh cho con, vừa bán vé số.
Cứ thế mỗi ngày, Tiên Đào ngồi lên yên trước, quay mặt ra sau ôm lấy mẹ. Chị Trinh ngồi yên sau thận trọng giữ con, hối hả đạp từng vòng xe như vòng quay khó nhọc của cuộc sống.
Nhìn hai mẹ con lầm lũi trên chiếc xe đạp, người qua đường không khỏi xót xa...