Trên địa bàn Hà Nội không thể kể hết có bao nhiêu xóm trọ bình dân dành cho lao động ở các tỉnh lên Thủ đô kiếm sống. Dọc con đường Hồng Hà hay phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ sáng sớm đến tối mịt dường như luôn kín đặc bóng dáng những người phụ nữ từ trẻ cho đến lớn tuổi. Họ là những người làm đủ nghề dịch vụ và phần lớn đều làm việc cho chợ hoa quả ở chân cầu Long Biên.
Nước mắt đời làm thuê
“Hôm qua, tôi vừa phải về quê đưa tiền cho ông nó để đem thằng cháu đi khám, không hiểu sao nó cứ đau bụng suốt mấy hôm. Sáng nay, để hai ông cháu đưa nhau đi, còn tôi bắt xe ra thành phố sớm”, bà Trần Thị Xa, 57 tuổi, quê Bắc Ninh, vừa nhặt túm nilon vừa trò chuyện với người bạn cùng nhặt đồng nát như mình.
Bà Xa lên Hà Nội đã 10 năm, làm đủ nghề từ giúp việc, nấu cơm, nhặt rác với mức thu nhập mỗi tháng 4-5 triệu đồng. Mỗi ngày của bà là một vòng quay: sáng đi nhặt rác, trưa đi nấu cơm thuê, chiều nhặt rác và tối ra chợ Long Biên làm phụ việc cho chủ hàng.
Căn nhà trọ bà Xa thuê ở ngõ 373 đường Hồng Hà với diện tích hơn 10 mét vuông, giá 1,5 triệu đồng/tháng chứa tới 4 người, đều là các em ruột của bà. Cô em kế bà 51 tuổi, một người nữa 47 tuổi và cậu út. Ba chị em gái bà nằm chung 1 giường, còn cậu út nằm trên gác xép. “Gọi là có chỗ chui ra chui vào, quan trọng gì rộng hay chật, mà cái cần là tiền cầm về còn chăm cháu”, bà Xa chia sẻ.
So với 3 người em thì bà Xa vất vả hơn vì phải nuôi người chồng ở quê và 1 đứa cháu ngoại. Con gái bà lấy chồng nhưng không hạnh phúc, hai vợ chồng ly hôn để lại cho ông bà đứa cháu suy dinh dưỡng 9 tháng tuổi. Giờ thì thằng bé đã học lớp 5. Cứ 2 tuần bà lại mang tiền về quê để ông cháu ở nhà chăm nhau. Đôi khi bà cũng nghĩ, không biết còn đi lại thế này được đến bao giờ. Song, lo gì thì vẫn phải gạt sang một bên vì bà còn phải dành dụm phòng thân và lo tương lai của thằng cháu. Nói đến hai chữ “tương lai”, bà nghẹn ngào, ứa lệ.
Trong khi đó, chị Xuyên, 34 tuổi, quê ở Thái Bình cũng thuê nhà trên đường Hồng Hà này lại có hoàn cảnh khác. Chồng chết, một mình chị nuôi đứa con bệnh tật. không thể đem con theo nên chị phải gửi một người họ hàng trông giúp. Mỗi khi lên cơn đau đầu thì con bé la hét, gào thét, muốn đập phá... Nhiều khi nghe người ta nói đến những bất an hay đọc các câu chuyện về những bé gái bị xâm hại là chị Xuyên lòng như lửa đốt. “Nhưng cũng không thể ngồi trông con mỗi ngày được, phải đi kiếm tiền mà lo thuốc thang cho nó chứ”, chị Xuyên vừa nói vừa rơm rớm nước mắt và nhất định không cho chúng tôi chụp ảnh, vì “sợ hàng xóm ở quê họ biết lại nghĩ không hay”.
Ban ngày, chị Xuyên đi bán bánh rán, chiều muộn làm bốc vác, tối về bỏ nắm tiền lẻ ra đếm, chị lại phải tính xem hôm nay tiêu những gì, ngày mai đủ tiền để mua thuốc nào cho con gái... Những ngày khô ráo không sao nhưng hễ trời mưa, bệnh thấp khớp lại hành hạ chị. Vì bệnh khớp, chân đau nên không ít lần trên đường trơn trượt, chị bê hoa quả bị ngã sõng soài, đổ dập hàng, vừa phải đền tiền lại vừa nghe chủ hàng mắng mỏ.
Chị Nguyễn Thị Hạ (quê Sơn La) khi xuống Hà Nội làm phụ hồ, không bị trêu ghẹo thì cũng phải hứng chịu những lời nói năng thô thiển của cánh đàn ông. làm được một thời gian, chị chuyển sang đi bốc vác ở chợ hoa quả Long Biên. Ban ngày, chị đi dọn nhà thuê, từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, chị ngồi ở khu chợ hoa quả, ai thuê gì thì bê vác đó, mỗi ngày cũng được trên dưới 200 nghìn đồng.
Có thời gian chị đi làm từ tờ mờ 2-3 giờ sáng, để ra khỏi mấy cái ngõ hun hút cũng gặp phải cơ man chuyện phức tạp. Ở xóm trọ nhỏ, đèn đường nhập nhoạng, dân cư phức tạp, hễ gặp mấy ông say rượu hay đám người hút chích ngả ngốn, vạ vật nơi hốc tường, bãi trống là chị thót tim vì sợ...
Nỗi buồn giấu kín
Khi trò chuyện với những người phụ nữ lao động xa quê, tôi cứ băn khoăn với bao niềm trắc ẩn. Ngày 20/10 hàng năm là dịp để tôn vinh những người phụ nữ bằng bao lời chúc hay những món quà ý nghĩa. Nhưng với họ, có lẽ cả cuộc đời chỉ lo kiếm sống mà chưa bao giờ nghĩ đến việc mình được quyền hưởng niềm vui trong ngày dành cho giới mình.
“Chúng tôi chẳng để ý đến ngày 20/10 đâu. Mỗi khi đi ngoài đường thấy nhiều thanh niên, đàn ông cầm hoa thì đoán đó là ngày 8/3 hay 20/10 thôi. Dân lao động chúng tôi chỉ lo kiếm ăn chứ quan tâm gì đến ngày nọ ngày kia dành cho phụ nữ. Chúng tôi chỉ mong khỏe để kiếm tiền mưu sinh cho gia đình thôi cô ơi!”, một chị trẻ trung nhất nhóm lên tiếng. Rồi có tiếng chị Xuyên chen vào: “Chúng tôi chỉ mong được như những người phụ nữ khác thôi, được yêu thương, được nghỉ ngơi khi mệt mỏi là sung sướng lắm rồi”.
Trong nhóm phụ nữ thuê trọ mà chúng tôi gặp, duy nhất có chị Hạ kể từng nhận được lời chúc của ông xã khi sinh con gái đúng ngày 20/10. Từ đó đến giờ, 15 năm rồi và chị bảo chắc không bao giờ nhận được lời chúc nào nữa. Chị chỉ mong ở nhà con gái mình luôn khỏe mạnh, có thể tự lập chăm sóc bản thân...
Chúng tôi đã lặng người đi khi nghe các bà, các chị sẻ chia nỗi niềm. Tôi cứ thầm mong, giá như có một phép màu, để tất cả những bà, những mẹ, những chị em gái trên khắp mọi miền đất nước, bất kể sang giàu, trí thức hay lao động, thành phố hay nông thôn đều biết đến cảm giác hạnh phúc trong ngày Phụ nữ Việt Nam!