Kiểm soát thời gian ăn của trẻ
Một số trẻ ăn chậm vì không có cảm giác đói. Hãy tập cho trẻ kiểm soát thời gian ăn uống với quy tắc: “Bữa ăn kết thúc khi mọi người ăn xong, vì cần phải dọn dẹp. Nếu con vẫn chưa ăn xong, mẹ sẽ dọn luôn phần của con.” Không cho trẻ thêm bất cứ bữa ăn nhẹ nào. Nếu trẻ thấy đói vì chưa ăn xong, trẻ sẽ tự ý thức rằng mình phải ăn nhanh hơn trong những bữa ăn tiếp theo. Một bữa ăn của trẻ không nên dài quá 20 phút. Đây là cách dạy cho trẻ tránh lãng phí thời gian trong bữa ăn.
Không cho trẻ ăn vặt thường xuyên
Một số trẻ có sở thích ăn vặt như bánh snack, nước ngọt hay kẹo trái cây… Ăn vặt thường xuyên dẫn đến sâu răng. Đặc biệt thói quen xấu này sẽ tiếp tục khi trẻ đến tuổi đi học nếu trẻ không được dạy từ nhỏ. Vậy nên, đừng cho trẻ ăn nhẹ nếu chưa đến giờ ăn theo quy định. Chỉ nên có một bữa ăn nhẹ vào buổi sáng và một bữa vào buổi chiều. Tập cho trẻ ăn những món lành mạnh như trái cây, sữa chua, nước ép…
Cần nhớ khả năng ăn uống của mỗi trẻ là khác nhau
Mỗi đứa trẻ đều có sở thích và khả năng ăn uống khác biệt. Tâm lý so sánh sức ăn của con mình với con người khác thực chất sẽ khiến cho bố mẹ căng thẳng và tạo thêm áp lực cho con, trong khi thực tế chỉ cần đảm bảo nạp đủ khối lượng và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cũng như sự phát triển của trẻ mà thôi.
Giúp con nhận ra rằng ăn uống là một niềm vui
Với nhiều bà mẹ, mục tiêu cho con ăn là để tăng cân. Nhưng cũng giống như người lớn, trẻ con sẽ có những lúc chán ăn. Bố mẹ cần thấu hiểu điều này và giúp con tận hưởng hành trình ăn uống theo cách khoa học hơn. Phổ biến nhất là việc bày thức ăn trên khay hoặc bát ăn dặm, cổ vũ con tự mình ăn và khám phá ra mùi vị thức ăn ưa thích.
Cho trẻ thử nhiều loại thức ăn đa dạng
Lời khuyên dành cho các ông bố bà mẹ đang trong hành trình chăm con nhỏ là hãy chế biến bữa ăn thật đa dạng để trẻ làm quen với các mùi vị thức ăn khác nhau. Vì lúc này khẩu vị của trẻ cũng đang như tờ giấy trắng. Bố mẹ hoàn toàn có giúp con làm quen với nhiều loại thực phẩm, gia vị mà nhiều người lớn cũng cảm thấy khó ăn như mướp đắng hay hành, tỏi trong giai đoạn này. Hoặc có thể biến tấu thức ăn nhìn lạ mắt có thể làm trẻ thích thú.