Là một nghệ sĩ, lại là người luôn yêu thích thời trang hiện đại nên giày cao gót là thứ phụ kiện không thể thiếu với nữ ca sĩ Tóc Tiên. Cách đây không lâu, trên trang cá nhân, Tóc Tiên chia sẻ dòng cảm xúc "Tuy đang ốm, nhưng tối nay Tiên vẫn xanh bơ trên sóng", kèm theo chùm ảnh mang phong cách thời trang ấn tượng, đặc biệt nữ ca sĩ khoe mang đôi giày cao chót vót.
Được biết, Tóc Tiên tên thật là Nguyễn Khoa Tóc Tiên (SN 1989) là nữ ca sĩ bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp khá sớm. Nhiều người yêu thích Tóc Tiên bởi không chỉ hát hay, mà còn thông minhh, xinh đẹp và có phong cách thời trang đặc biệt cá tính. Những chia sẻ của ca sĩ khiến khán giả hiểu thêm về khó khăn của nghệ sĩ khi biểu diễn.
Trước đó, trên Instagram, Tóc Tiên đã có những chia sẻ dài về tình hình sức khoẻ gặp phải sau khi đi diễn nhiều năm, đó là căn bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Đầu tiên, nữ ca sĩ tiết lộ việc bị "tự kỷ ám thị" về việc bắt buộc có body thật đẹp trên khi diễn trên sân khấu: "Dạo gần đây đi diễn vài lần mặc lại đồ cũ mấy năm trước, mình cảm thấy như một cực hình. Không phải do mình mập mà do trước giờ chúng mình đều tự kỷ ám thị về việc "phải thật ốm, thật eo ót khi lên sân khấu". Các chất liệu đính kết rất nặng (có những bộ lên tới 10 ký). Vải thô ráp cứa vào da thịt khiến lần nào đi diễn xong cũng đỏ bầm. Dây kéo thì siết chặt để tôn eo ngực mông tới mức không thở được. Trong khi mình toàn phải vừa hát vừa nhảy".
Chưa dừng lại ở đó, Tóc Tiên còn lần đầu tiết lộ về chuyện bị giãn tĩnh mạch ở bắp chân do phải thường xuyên đi giày cao gót khi trình diễn từ nhỏ: "Mình mang giày cao gót đi hát nhảy từ rất nhỏ (13-14 tuổi) nên bắp chân bị giãn tĩnh mạch khá nhiều. Về lâu về dài làm chân và đầu gối bị lệch không thể thẳng tăm tắp như lúc dậy thì. Qua 30 mỗi lần đi cao gót nhảy xong là đau thắt lưng".
Được biết, trong suốt từ những năm tháng đó đến nay, nữ ca sĩ luôn có thói quen đi giày dép cao gót lên sân khấu để có diện mạo xinh đẹp. Tuy nhiên, điều này cũng để lại những hậu quả đáng tiếc.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch Tóc Tiên mắc phải nguy hiểm thế nào?
Theo thống kê, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới ngày càng có xu hướng tăng cao, khoảng 70% trong số những người mắc bệnh là phụ nữ, tuy nhiên nhiều người vẫn còn đang mơ hồ và chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch (TP. Hồ Chí Minh), căn bệnh giãn tĩnh mạch chân (chi dưới) nếu không được phát hiện sớm sẽ để lại những hậu quả từ nhẹ tới nghiêm trọng. Ở mức nhẹ, chân bệnh nhân sẽ sưng phù, gây ảnh hưởng tới cuộc sống.
Bệnh cũng có thể gây giãn mạch nhiều, người bệnh sẽ đau nhiều, gây khó khăn đi lại và dễ bị nhầm với bệnh xương khớp. Bệnh tiến triển nặng có thể làm hình thành các cục huyết khối, cục máu đông di chuyển vào phổi có thể gây thuyên tắc phổi và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu người bị giãn tĩnh mạch, cần được khám sớm
Triệu chứng giãn tĩnh mạch rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể chỉ xuất hiện cảm giác hơi tức, hơi khó chịu ở chân hoặc có cảm giác nóng và ngứa chân.
Các chuyên gia khuyên rằng, nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường dưới đây, bạn nên đi khám sớm:
- Vùng bắp chân bị căng tức hoặc có cảm giác mỏi chân.
- Vào ban đêm, người bệnh thường xuyên bị chuột rút hoặc có cảm giác kiến bò.
- Chân người bệnh, nhất là vùng mắt cá chân thường bị sưng hoặc ngứa.
- Viêm gân xanh ở da đùi, đầu gối hay mắt cá chân.
- Da chân bị đổi màu, nhiễm trùng phần mô mềm ở gần mắt cá chân.
Dựa vào các triệu chứng trên cùng với phương pháp siêu âm Doppler mạch máu, các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Cần làm gì để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch
Bệnh suy giãn tĩnh mạch không những làm mất thẩm mỹ mà còn có thể gây ra những nguy hiểm khó lương. Tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh bệnh một cách dễ dàng, chỉ cần thay đổi lối sống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chẳng hạn:
- Không nên mang giày cao gót để tránh việc dồn trọng lượng cơ thể xuống hai bàn chân, gây áp lực lên các tĩnh mạch chân, nên chọn những đôi giày gót thấp vừa phải, da mềm.
- Nên mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, tránh bó sát đặc biệt là ở chân, hông.
- Không nên ngồi xổm, đung đưa, vắt chéo chân gây cản trở máu lưu thông. Nên chọn ghế ngồi phù hợp, và kê cao chân khi nằm khoảng 20cm so với tim.
- Không nên ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ, nên đi lại thường xuyên, giãn cơ để các tĩnh mạch không bị quá tải.
- Tập các bài tập nhẹ như chạy bộ, bơi lội, thể dục dưỡng sinh... để nâng cao sức khỏe và có lợi cho hệ thống tĩnh mạch chân.
- Hạn chế tắm nước nóng hay xoa bóp dầu nóng tại vùng da bị bệnh vì sẽ làm các tĩnh mạch giãn nở to hơn, bệnh sẽ càng nặng hơn.
Cơ thể bị tác động ra sao nếu bạn thường xuyên đi giày cao gót?
Trao đổi với PV báo TT, bác sĩ CKII Trương Công Dũng - Hội Nội soi cơ xương khớp TP.HCM cho biết, một trong những ảnh hưởng dễ thấy nhất của việc đi giày cao gót với phần gót quá cao, quá nhọn và phần mũi giày bó hẹp là gây mất thăng bằng dẫn tới rất dễ bị trượt chân, té ngã và lật cổ chân.
Về lâu dài, việc đi loại giày này quá nhiều lần trong một tuần, đi lâu dài sẽ tác động tiêu cực tới hệ thống các cơ ở chân như sự cân bằng giữa cơ trước và cơ sau. Vị trí dễ bị đau nhất nằm ở phần gót chân.
Khi các điểm chịu lực của bàn chân thay đổi, trình tự chịu lực cũng thay đổi trong một thời gian dài thì khả năng chịu lực tự nhiên của chân cũng không còn bình thường nữa.
Những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ không dừng lại ở bàn chân mà còn tác động đến đầu gối, vùng lưng gây đau nhức do cơ bắp chân bị rút ngắn lại, dễ bị gai, cong lệch cột sống, dáng đi không bình thường, đẩy nhanh quá trình suy giãn tĩnh mạch.