Chị Tô Hồng Vân, 34 tuổi, một nhà báo, nhà văn thiếu nhi sống ở TP HCM, đồng thời là người mẹ của ba con gái tuổi từ 7 đến 13, có những cách dạy con luôn khiến người khác thấy hiếu kỳ.
Hầu như cả tuổi thơ của tôi là con một do các em cách tuổi quá xa, sau này tôi lại đi du học nên không gần các em nhiều. Tôi hiểu được ưu điểm cũng như điểm trừ của việc làm con một. Lúc kết hôn, tôi muốn một gia đình đông đúc.
Hai bạn lớn nhà tôi chỉ cách nhau 2 tuổi nên rất gắn bó, có nhiều sở thích chung, các môn ngoại khoá cũng thường được xếp vào cùng một nhóm tuổi. Từ lúc 2 bạn còn nhỏ, tôi đã hầu như rất nhàn vì 2 bạn luôn có thể chơi với nhau. Song, đến lúc có bạn út thì những xáo trộn bắt đầu xuất hiện.
Vì mẹ chỉ có 2 tay, không thể cùng lúc nắm tay cả 3 bạn, tối nằm dỗ con ngủ cũng chỉ có thể có 2 bạn nằm cạnh mẹ thôi, dẫn đến việc làm gì cũng phải biểu quyết khiến các bạn nhỏ nhiều lúc cũng muốn nổ tung "ước gì con là con một".
Tôi đã phải nghĩ cách để cân bằng. Ví dụ, việc dỗ ngủ, bé út nhỏ nhất nên được ưu tiên tối nào cũng nằm kế bên mẹ, với điều kiện phải nằm phía ngoài cùng của giường. Còn hai chị thì sẽ xen kẽ nhau mỗi tối một người nằm cạnh mẹ và một người nằm sát tường. Mẹ thì tay nhất định sẽ phải vươn dài ra để nắm tay bạn không được nằm cạnh.
Từ 3 năm nay tôi cũng áp dụng quy luật tối thứ 6. Đây sẽ là tối một bạn được hẹn hò riêng với mẹ, hai người còn lại phải ở nhà, lần lượt người này đến người khác. Người được đi chơi sẽ được tự quyết định ăn gì, chơi ở đâu, xem phim gì... và tha hồ nói riêng với mẹ những chuyện mà "khi nhà đông quá nhiều khi lười kể".
Không ít lần tôi đề nghị mấy chị em đổi chỗ cho nhau em thành chị, chị thành em. Chị vẫn được nhõng nhẽo, nhưng sẽ đi ngủ sớm hơn, ngày nghỉ bắt buộc có giấc ngủ trưa, nói chuyện phải dạ thưa với mọi thành viên trong gia đình.
Ngược lại em (mà nay đã là chị) thì được sai chị, không cần ạ với chị, nhưng làm hết những việc nhà mà chưa biết làm trước đây.
Những ngày này siêu vui vì cả nhà xưng hô cứ náo loạn hết cả lên vì nhầm. Và thông thường, các bạn chỉ trụ được việc hoán đổi vài ngày là năn nỉ xin về vị trí cũ.
Tất cả các quy tắc ở nhà tôi đều áp dụng đồng đều cho cả ba mẹ và các con. Ví dụ, quy tắc trên bàn ăn là không dùng điện thoại và tất cả thành viên sẽ ngồi nán lại bàn ăn cho đến khi người cuối cùng hoàn tất bữa.
Nên thỉnh thoảng trong bữa ăn sẽ xuất hiện những câu như "Ba xin lỗi, nhưng ba đang có một việc quan trọng, cho ba nhắn tin một chút xíu" hay "Món này ngon quá, cho mẹ ngoại lệ đăng hình lên Facebook được không"...
Gần đây nhất, bạn giữa nhà tôi đến gần cuối bữa ăn thì bảo: "Nhìn mẹ mệt quá, hay mẹ ăn xong rồi mẹ vào phòng nghỉ trước đi, hôm nay... miễn lễ cho mẹ". Tôn trọng nguyên tắc chung và nói rõ trong trường hợp cần có ngoại lệ là điều cả vợ chồng tôi đều phải làm chứ không thể "luật chỉ áp dụng cho các con" được.
Tôi không bao giờ cho phép mình "ừ" cho qua chuyện" với con. Mỗi điều con kể dù là vặt vãnh nhất cũng được nghe chăm chú. Hôm nào thật sự có việc để bị xao nhãng thì sẽ xin lỗi luôn: "Mẹ không tập trung được, xin lỗi con, con nói lại giúp mẹ được không". Có những việc nhiều khi con không muốn nói, tôi đã đoán, có những lúc đoán trúng, cũng có những lúc không, nhưng tôi tin là các con cảm nhận được sự "nghe" của mẹ.
Ở nhà tôi việc đi ngủ sớm là điều mặc nhiên, với mong muốn giúp con tăng hoóc môn phát triển chiều cao. Nên ngoại trừ tối cuối tuần xả hơi, tất cả các ngày còn lại, 4 mẹ con đều lên giường trước 9 giờ tối. Để làm được vậy, bản thân tôi luôn hoàn thành công việc sớm để làm gương.
Các con cũng tự giác hoàn thành bài vở trước giờ "giới nghiêm" này. Mọi thành viên trong gia đình không xem việc đi ngủ sớm là luật lệ khó chịu, mà cảm nhận đó như điều tất yếu cần làm để chăm sóc sức khoẻ. Nhiều bạn bè hay trêu tôi mới gà gáy đã "lên ổ".
Các bé nhà tôi cũng được quyền góp ý trong hầu hết mọi việc liên quan trực tiếp đến các con, từ việc chọn quần áo, kiểu tóc đến những việc siêu quan trọng như chọn trường. Gần đây nhất, gia đình tôi vừa chuyển qua nhà mới nên khi các bé được ra phòng riêng, hiển nhiên được tự lên ý tưởng cho phòng mình.
Một số bạn bè tôi hay gặp vấn đề con không đồng tình với yêu cầu của ba mẹ hoặc ba mẹ gọi nhiều lần mới trả lời. Trong gia đình tôi hầu như không có tình trạng này, trừ trường hợp bé thực sự không nghe thấy mẹ gọi vì đang mải làm gì đó.
Dễ hình dung nhất là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, khi các bé học từ "không" và thường từ chối làm theo những lời đề nghị từ mẹ. Ví dụ, trời lạnh cha mẹ nghĩ là nên mặc quần dài, áo khoác, con nhất định váy ngắn. Cả 3 bé nhà tôi có thể nói là không có giai đoạn này.
Không phải bé không có chính kiến, mà vì các bé đều được nuôi dạy trong môi trường "tự do trong khuôn khổ", nghĩa là các bé đã được quán triệt nguyên tắc "đồ ngày thường con tự chọn, những dịp quan trọng thì theo gợi ý của mẹ".
Như vậy, ngày thường, khi bé đưa ra tự chọn quần áo cho mình, bé không có cơ hội nói "không" vì mẹ tôn trọng quyết định của bé và ngược lại, những lúc mẹ là người cầm trịch thì bé cũng sẽ tôn trọng và đồng thuận. Tôi nghĩ "tôn trọng con và tôn trọng những nguyên tắc sống của chính bản thân mình là lời giải cho việc các bé "không cãi" ba mẹ.
Chúng tôi xác định với mình và cả với con là ba mẹ không hoàn hảo. Điểm mạnh duy nhất là tinh thần nỗ lực hoàn thiện bản thân. Tất cả những gì ba mẹ trao đổi với con là lời khuyên từ góc nhìn của ba mẹ, nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với môi trường và tư duy hiện tại của con, nhưng lắng nghe nhau để tham khảo và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định của riêng con là điều con có thể làm.