Nội dung bài viết:
Vì sao mẹ bầu dễ mệt mỏi khi mang thai?
Mệt mỏi khi mang thai là tình trạng hoàn toàn bình thường, một số mẹ bầu có cảm giác như đang kiệt sức và luôn cảm thấy thiếu sức sống, đôi lúc tim đập nhanh đến khó chịu.
Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu
Sự thay đổi nội tiết tố là một trong những nguyên nhân khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi khi mang thai tuần đầu tiên, đặc biệt hormone progesterone chính là nguyên nhân lý giải vì sao bà bầu thường cảm thấy buồn ngủ.
Bạn cũng đừng quá lo lắng và căng thẳng nếu như mình đang mang thai lần đầu, chính tâm trạng lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé. Do đó, hãy cố gắng giữ tinh thần được vui vẻ, lạc quan thì cơ thể cũng trở nên khoẻ mạnh hơn.
Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai 3 tháng giữa
Trong tam cá nguyệt thứ hai, khi đã qua các cơn ốm nghén và mẹ bắt đầu có cảm giác thèm ăn trở lại thì sẽ không còn khó chịu như trước. Tình trạng mệt mỏi đôi khi sẽ xuất hiện nhưng không còn quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này mẹ có thể gặp các triệu chứng như ợ nóng, khó tiêu đi kèm với những cơn đau nhức ở hai dây chằng bụng dưới làm cho mẹ cảm giác khó chịu và mệt mỏi.
Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai 3 tháng cuối
Thời điểm ba tháng cuối thai kỳ thai nhi tăng cân nhanh làm mẹ càng thêm mệt, đi lại khó khăn. Đây cũng là lúc mẹ có những triệu chứng như khó ngủ, đi tiểu nhiều về đêm, đau nhức chân, ợ nóng.
Ngoài ra, hiện tượng mệt mỏi khi mang thai của chị em phụ nữ còn xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Cơ thể bị thiếu sắt: Mệt mỏi có thể là một triệu chứng thiếu máu, đặc biệt là do thiếu sắt. Cơ thể mẹ cần nhiều sắt để tạo ra tế bào hồng cầu cho phép chúng mang oxy đến các mô của mẹ và em bé. Với các mẹ bị thiếu sắt, cơ thể sẽ mệt mỏi, tim đập nhanh, chân tay run lẩy bẩy, sắc mặt thường tái nhợt, không hồng hào tỉnh táo.
Hạ đường huyết: Khi mẹ bầu thấy mình có các biểu hiện như run rẩy, tim đập nhanh, đói cồn cào, ra nhiều mồ hôi, chóng mặt, choáng váng thì có nghĩa là mẹ bầu đang gặp phải hiện tượng hạ đường huyết. Điều này sẽ khiến cho mẹ cảm thấy rất mệt.
Tiểu đường thai kỳ: Những mẹ bầu vốn bị bệnh tiểu đường sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn những mẹ bầu khoẻ mạnh khác. Nếu mẹ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ cần phải được bác sĩ theo dõi và kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, tránh những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn: Mẹ bầu ăn uống không khoa học hoặc kiêng khem quá mức sẽ không đủ dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng em bé và hoạt động của cơ thể. Mẹ sẽ luôn trong tình trạng cơ thể suy nhược, chóng mặt, chân tay bủn rủn khi mang thai.
Làm thế nào để giảm bớt mệt mỏi khi mang thai?
Mặc dù cảm giác mệt mỏi khi mang thai là điều thường xuyên phải gặp trong thai kỳ nhưng mẹ bầu nên thay đổi chế độ sinh hoạt kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để làm giảm triệu chứng mệt mỏi, giúp cơ thể khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống.
Một số biện pháp sau đây có thể cải thiện các triệu chứng khi mang thai:
Chế độ ăn uống hợp lý
Khi mang thai, chúng ta cần thêm năng lượng và dưỡng chất để phục vụ cho quá trình nuôi dưỡng em bé, mẹ bầu nên bổ sung thêm các bữa ăn phụ ngoài ba bữa ăn chính để giữ mức năng lượng ổn định, hạn chế tình trạng khó tiêu, ợ nóng.
Một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng bao gồm nhiều chất sắt và protein sẽ giúp thai phụ giảm tâm trạng mệt mỏi; đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như: thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên chất, mì sợi, các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, các loại quả hạch và các loại hạt.
Hãy thường xuyên uống nước cam quýt khi ăn các loại thực phẩm chứa sắt, nhằm giúp cơ thể hấp thu chất sắt được tốt hơn.
Bổ sung sữa chua trong khẩu phần ăn hằng ngày vì vi khuẩn có lợi probiotic trong sữa chua giúp chống lại mệt mỏi cho mẹ bầu, đồng thời giúp hạn chế táo bón thai kỳ.
Tập thể dục đều đặn
Duy trì thói quen vận động cơ thể mỗi ngày bởi bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ. Khi đi bộ và hít thở không khí trong lành, việc sản xuất nội tiết tố endorphin sẽ được tăng cường, từ đó cải thiện lưu thông máu, làm cho mức năng lượng trở nên dồi dào.
Ngoài ra, mẹ bầu tập thể dục trong ít nhất 20 – 30 phút từ 3 – 4 lần mỗi tuần cũng giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, ảnh hưởng tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ bé yêu trong bụng và còn hỗ trợ mẹ "vượt cạn" nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Ngủ đủ và đúng giờ
Biểu hiện của chứng mệt mỏi thai kỳ là bạn sẽ buồn ngủ hơn bình thường và thông thường các bà bầu sẽ chìm vào giấc ngủ li bì cả ngày lẫn đêm, nhất là ở giai đoạn mang thai đầu tiên. Do ngủ quá nhiều càng khiến bà bầu mệt mỏi nên cách khắc phục ở đây là bạn đừng nên ngủ quá nhiều vào ban ngày. Đừng đi ngủ bất cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi và muốn nằm xuống. Nên có những giấc ngủ sâu vào ban đêm và ngủ đủ giấc là được.
Khi ngủ, mẹ nên chọn nằm nghiêng sang bên trái vừa an toàn cho bé yêu, vừa tạo cảm giác thoải mái, giúp mẹ được ngủ ngon hơn.
Uống đủ nước
Người mang thai nên uống đủ nước vào các thời điểm sớm trong ngày. Đừng uống thêm bất cứ thứ gì trong khoảng thời gian từ hai đến ba giờ trước khi đi ngủ, nhằm giúp bạn không phải trở dậy để đi tiểu về đêm.
Nếu thường xuyên bị ợ nóng, bạn nên ăn bữa cuối trong ngày vào khoảng vài ba giờ trước khi nằm hoặc đi ngủ. Thực hiện thao tác co, duỗi chân nhẹ nhàng trước khi ngủ, nhằm ngăn ngừa tình trạng bị đau nhức cơ chân – một triệu chứng bình thường đối với hầu hết các thai phụ.
Thư giãn và giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái
Nên loại bỏ bất cứ áp lực nào từ cuộc sống, công việc vì mệt mỏi trong thai kỳ cũng làm bạn khá stress rồi. Trong thời gian mang thai và đặc biệt là những tháng đầu và tháng cuối không phải thời điểm thích hợp để bạn tham gia những công việc quá sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy dành thời gian để cơ thể được thư giãn tốt nhất, đọc sách hoặc nghe nhạc để tâm trạng luôn thoải mái, vui vẻ.
Dù biểu hiện mệt mỏi khi mang thai là điều khó có thể tránh khỏi trong thai kỳ, tuy nhiên các mẹ cũng đừng nên quá lo lắng khiến tình trạng mệt mỏi ngày càng nặng thêm. Hãy áp dụng những phương pháp trên để có một thai kỳ khoẻ mạnh, hạnh phúc và chuẩn bị đón thêm thành viên mới trong gia đình.