Thực sự ngàn vạn lần tôi cầu xin những người lớn, những người cũng từng làm cha làm mẹ hãy cẩn thận hơn với những lời ăn tiếng nói của mình trước mặt con nhỏ để không phải ân hận cả đời.
Tôi và ông xã kết hôn được 1 năm thì có con gái đầu lòng. Định bụng để khi con lớn hẳn mới sinh thêm con thứ 2 nhưng khi con gái được 3 tuổi, nghĩ cả hai vợ chồng đã đều nhiều tuổi nên chúng tôi quyết định có con luôn. Ngay từ những ngày mang bầu con thứ 2 tôi đã luôn phải làm công tác tư tưởng cho con gái lớn để bé biết rằng có em là một điều hạnh phúc và dù bố mẹ có thêm em nhưng tình yêu với con vẫn không bao giờ thay đổi.
Có lẽ cũng chính nhờ được tôi kết nối mỗi ngày nên khi em trai chào đời, con bé thích thú xin được vào viện để xem em bé, để được cùng mẹ âu yếm em. Những ngày tháng sau khi trở về nhà con bé lớn cũng rất yêu thương em của mình, mỗi lần đi học về là bé đều đến chào em, thơm em trước cả khi chào mẹ. Nhìn các con hạnh phúc, tôi cũng thấy thật mãn nguyện.
Thế nhưng chuyện bắt đầu khác lạ từ 1 tuần trước khi sự việc xảy ra, con lớn bắt đầu có nhiều biểu hiện chống đối lời bố mẹ nói, không thích trông em cho mẹ, luôn tỏ ra khó chịu khi chỗ nào có sự xuất hiện của em bé. Thấy mẹ bế em, con bé đá thúng đụng nia, thậm chí là làm rơi cốc để mẹ phải để em đó và đi dọn cốc. Đi học về bé cũng chẳng chào hỏi ai cả, nhiều lúc hai chị em chơi trong phòng mà thằng bé cũng khóc ré lên. Tới lúc tôi chạy vào em khóc còn chị lại cười như không có chuyện gì xảy ra.
Mọi việc đẩy lên cao trào khi trong một lần nhờ con bé trông em 1 phút để tôi xuống nhà lấy đồ. Thế nhưng linh tính mách tôi có chuyện chẳng lành nên đi nửa đường tôi đã quay trở lại, cảnh tượng trước mắt khiến tôi lạnh sống lưng vì không nghĩ con gái mới 4 tuổi đã có thể làm được điều đó.
Đứa con gái 4 tuổi của tôi đã vật ngửa em sơ sinh của mình ra giữa giường và đang dùng một chiếc gối để đè lên mặt của em. Tôi vội chạy vào và ôm con sơ sinh lên. May mắn chưa có chuyện gì quá nguy hiểm, tôi không dám nghĩ nếu mình đi quá lâu thì chuyện gì xảy ra. Quá tức giận tôi đã mắng con gái lớn, thậm chí còn đánh nó và bắt nó đứng ra góc tường. Tôi liên tục hỏi lý do nhưng con bé không nói gì mà chỉ khóc.
Buổi tối hôm đó, khi đã thực sự bình tâm trở lại, tôi đã qua phòng, ôm con bé vào lòng để tìm hiểu rõ nguồn cơn của vụ việc. Con bé nói rằng chỉ vì mẹ đi thì em khóc to quá nên nó nghĩ đơn giản là lấy gối chèn miệng cho em khỏi khóc. Tuy nhiên khi tôi nói ra rằng khoảng thời gian gần đây con có rất nhiều biểu hiện không thương em nữa, đứa trẻ mới lí nhí thú nhận lên kế hoạch để... không nhìn thấy mặt em nữa. Tôi nghe mà lạnh cả người.
"Bà nội nói rằng bố mẹ có em rồi nên con ra rìa, bố mẹ không có nhiều thời gian để yêu thương con nữa nên con phải tự làm mọi việc, không được phiền đến bố mẹ và em. Vậy nên con không thích em nữa, tại sao trước bố mẹ yêu con còn từ khi có em lại không yêu con nữa, không có nhiều thời gian cho con nữa".
Con bé nói trong nước mắt khiến tôi cũng bật khóc theo thương con.
Để vun đắp yêu thương là cần cả một quá trình nhưng để phá bỏ nó đôi khi chỉ cần 1 câu nói. Vì vậy tôi muốn chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình như một bài học, một kinh nghiệm lớn cho tất cả mọi người. Hãy cẩn thận lời ăn tiếng nói của mình bởi nó có thể là "vũ khí" sát thương.
Tâm sự từ độc giả quynhchi...@gmail.com
Quả đúng thật lời nói có thể thể hiện tình yêu thương nhưng đôi khi nó có thể là vũ khí sắc bén cướp đi tính mạng người khác. Với trẻ nhỏ, dù người lớn chỉ muốn trêu chọc nhưng lại có ảnh hưởng lớn:
- Trẻ cảm thấy bất an
"Cha mẹ không cần con nữa đâu" câu nói này sẽ ám ảnh đứa trẻ suốt đời bởi đứa trẻ luôn cần cha mẹ mọi lúc mọi nơi và cần tình yêu của họ. Khi bé mơ hồ biết được cha mẹ không còn yêu mình nữa, bé sẽ luôn cảm thấy bất an, thiếu cảm giác an toàn và trống rỗng trong lòng.
- Không còn tin người lớn nữa
Việc luôn nghe được những câu lừa dối từ người lớn sẽ tạo cho bé cảm xúc người lớn không hề đáng tin nữa. Vì vậy, bất kể những gì người lớn nói bé đều không tin tưởng và bé bắt đầu học thói nói dối.
Chính vì thế, với con nhỏ bố mẹ, người lớn nên có những từ ngữ đúng đắn, đúng mực để trẻ hình thành những suy nghĩ chuẩn chỉnh và hành động không sai lầm.