Bệnh nhân được xác định là ông N.V.H (58 tuổi, ngụ Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng nuốt nghẹn, ăn uống khó khan, sụt cân… Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị khối u thực quản đồng thời bị khối u đại tràng ngang.
Bệnh nhân sang Singgapore điều trị nhưng không có tiến triển nên đã quay về Việt Nam và tới Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật cắt thực quản bằng phương pháp nội soi ngực phải với hỗ trợ của robot và cắt đại tràng ngang kèm theo (mổ hở). Ca phẫu thuật kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, ít đau. Đặc biệt là bệnh nhân đã nói gần như bình thường, trong khi đa số bệnh nhân phẫu thuật thực quản trước đây thường bị khàn tiếng hoặc mất tiếng, ăn hoặc nuốt thường bị sặc. Sau 8 ngày phẫu thuật, chưa ghi nhận biến chứng và bệnh nhân đã có thể uống sữa ăn cháo.
Tiến sĩ – Bác sĩ Lâm Việt Trung, Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Ung thư thực quản có độ ác tính cao, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Do di căn hạch rộng nên phẫu thuật phức tạp phải nạo hạch ở cả 3 vùng cổ ngực, bụng mới triệt để".
Theo bác sĩ Trung, người mắc bệnh ung thư thực quản thường phát hiện trễ, do việc khám tầm soát ung thư trong người dân còn ít. Trong khi đó, ơ giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường ít triệu chứng lắm. Đến khi khối u to rồi, làm hẹp thực quản, khiến bệnh nhân có cảm giác nuốt nghẹn thì mới đi khám bệnh. Những người có nguy cơ cao là người hút thuốc lá, uống rượu mạnh, những người sống trong vùng nguồn môi trường ô nhiễm, độc hại, tiếp xúc kim loại nặng. để phòng ngừa thì nên đi khám định kỳ 6 tháng 1 lần để tầm soát ung thư.