Ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện các vụ, cục đã có buổi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố để kiểm tra và đánh giá hoạt động của 2 bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2018.
Báo cáo của TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược cho thấy: "Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 8.000 đến 8.500 lượt bệnh đến khám ngoại trú. Số lượng bệnh nhân trên đang tạo ra sự quá tải rất lớn đối với bệnh viện".
Hiện nay, bệnh viện Đại học Y Dược có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú. Lưu lượng bệnh quá lớn, tại khoa Cấp cứu luôn xảy ra tình trạng ùn ứ bệnh nhân. Bệnh viện thực hiện phương châm không để bệnh nhân nằm ghép nên những trường hợp cần nhập viện phải chờ trên khoa điều trị có người xuất viện.
TS.BS Trương Quang Bình thẳng thắn: "Ngay cả khu vực phòng mổ, người bệnh sau khi mổ xong ra khu hồi tỉnh cũng phải chờ có người xuất viện mới được nhập. Công suất sử dụng giường bệnh là 104%, tức là người bệnh này chuẩn bị xuất viện thì đã có tên bệnh nhân khác thế vào. Mỗi ngày, khoa cấp cứu của phải chuyển viện từ 15 đến 20 trường hợp với lý do Bệnh viện Đại học Y Dược… hết giường".
Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện Đại học Y Dược đang phải cử nhân sự đến bệnh viện từ 3 giờ sáng để tư vấn, tiếp nhận đăng ký khám bênh, lấy máu xét nghiệm; bác sĩ phải khám thông tầm từ sáng đến chiều (không nghỉ trưa), tổ chức khám bệnh online; thanh toán chi phí khám bệnh qua thẻ… Tuy nhiên, thực tế người bệnh vẫn phải chờ nhiều giờ mới đến lượt khám, tình trạng quá tải ngày càng căng thẳng.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP cho biết, trước tình trạng quá tải tại khu vực ngoại trú, bệnh viện đã đưa ra nhiều giải pháp như tư vấn, đăng ký khám bệnh, lấy máu xét nghiệm từ 3 giờ sáng, đăng ký khám bệnh online, thanh toán qua thẻ, tích hợp đăng ký khám bệnh 4 trong 1, khám bệnh thông tầm, công nghệ thông tin được ứng dụng vào nhiều hoạt động để giảm thời gian chờ của bệnh nhân. Bác sĩ Âu Thanh Tùng – Trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viện Đại học Y dược TP cho biết, bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thì tất cả người bệnh đến bệnh viện. Việc sử dụng mã hồ sơ thuận tiện cho việc quản lý thông tin, các tiền sử bệnh của tất cả các lần khám và kết nối phần mềm nội ngoại trú, từ đó xem được tất cả các lần nằm viện, chi phí điều trị, các lần phẫu thuật. Kết nối liên thông các khâu cận lâm sàng, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối tất cả kết quả cận lâm sàng về phòng khám ngay thời điểm bác sĩ khám…
Lúc 10 giờ ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt thị sát khu vực khám bệnh của Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM. Tại đây, Bộ trưởng đã tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Thị Phương (41 tuổi, ngụ tại Khánh Hòa) thì được bà Phương cho biết: "Hơn 1 tháng trước tôi đến bệnh viện thăm khám. Sau gần 1 ngày chờ đợi tôi được bác sĩ nội soi, chẩn đoán bị viêm dạ dày, cho toa thuốc về uống và hẹn hôm nay tái khám. Hôm qua, tôi đã bắt xe đò vào Sài Gòn, ở nhờ nhà người thân. Mờ sáng, tôi có mặt ở bệnh viện bốc số nhưng đến giờ chưa tới lượt khám".
Tiếp nhận ý kiến từ người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải có giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Để rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo, Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng quá tải vẫn kéo dài triền miên. Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho gần 5.500 lượt bệnh nhân. 6 tháng đầu năm 2018, bệnh viện tiếp nhận khám cho khoảng 755 ngàn bệnh nhân trong đó bệnh nhân bảo hiểm y tế chiếm gần 50%. Thời gian qua đã thực hiện nhiều phương pháp giảm tải, thực hiện khám bệnh từ 4 giờ 30 sáng, bố trí thêm nhiều phòng khám, đầu tư xây mới cơ sở vật chất.... nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Tình hình quá tải vẫn tăng nhẹ, nhất là khám bệnh ngoại trú. Trong khi năng lực bệnh viện có hạn, cơ sở vật chất chật hẹp nên bệnh viện đã giảm áp lực bằng cách liên kết với các bệnh viện khác để chuyển bệnh nhân sang “chia lửa” như Bệnh viện Công An, Bệnh viện Quân đội, Bệnh viện Bưu điện, một số bệnh viện tuyến quận, huyện, rồi bệnh viện tư… Hiện tổng cộng có đến 13 bệnh viện kí hợp tác với Chợ Rẫy. 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã chuyển được gần 7000 bệnh nhân nội trú ra các bệnh viện đó để giảm tải.
Dù bệnh viện có ứng dụng công nghệ thông tin một cách quyết liệt, tích cực với các phầm mềm khám bệnh linh hoạt, cập nhật tự động mã số hồ sơ, liên thông các khoa phòng để giảm thời gian chờ đợi nhưng tình trạng quá tải vẫn còn khá nặng nề. Cho đến nay, vẫn còn bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu. Do vậy, dù đánh giá cao mô hình tự chủ sớm tại Bệnh viện Đại học Y dược TP tạo hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh, tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân cao, không để bệnh nhân nằm ghép tuy nhiên, bộ trưởng rất lo ngại khi khoa ngoại trú của hai bệnh viện này quá đông, bệnh nhân phải chờ lâu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: "Không phải các đồng chí cứ báo cáo bốn ngàn, năm ngàn rồi tám ngàn khám ngoại trú là thành tích đâu mà tôi cho đó là trở ngại và khó khăn đó là quá đông, thứ hai là chờ đợi quá lâu dù các đồng chí có ứng dụng thông tin. Hôm nay, tôi hỏi khoảng 5 bệnh nhân đến khám bệnh thì có những người cũng chờ đến 4 tiếng. Về giải pháp sắp tới nói ra chẳng ai thích nhưng phải làm được đó là chuyển bớt bệnh nhân ngoại trú và nội trú không cần thiết về tuyến dưới".
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng cũng lưu ý các bệnh viện hướng tới hài lòng người bệnh, nhân lực y tế, cơ cấu tài chính khi thực hiện tự chủ, kết hợp công tư trong khám chữa bệnh và sau cùng là vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị , xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp. Những nội dung này đều hướng tới mục tiêu phục vụ người bệnh.