Ngày 10.8, Bác sĩ Lê Quang Mỹ - Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bé gái 7 tuổi (dân tộc Raglai, ngụ ở Ninh Thuận) bị rắn độc cắn trong tình trạng toàn thân sưng phù, chảy máu chân phải không cầm được máu.
Theo Bác sĩ Lê Quang Mỹ, bé gái này bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới 2 tuổi và bé được một người thân nhận nuôi dưỡng từ đó đến nay. Tuy nhiên người thân của bé cũng rất nghèo, hàng ngày phải lên rẫy làm thuê. Vì không thể để bé ở nhà một mình, nên người thân đã đưa cháu lên rẫy cùng. Hôm đó trong lúc người thân đang làm rẫy thì bé gái chạy đi bắt ếch, khi quay về thì phát hiện bé đang khóc với cái chân sưng phù.
Do đã từng bị rắn cắn, nên người thân liền đưa bé đến bệnh viện địa phương sơ cứu và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, các bác sĩ tiến hành kiểm tra thì phát hiện chức năng đông máu của bệnh nhi bị rối loạn hoàn toàn. Các chế phẩm máu được huy động để điều chỉnh cho bệnh nhi nhưng vẫn không kiểm soát được hoàn toàn tình trạng chảy máu. Nghi ngờ bệnh nhi bị rắn chàm quạp (một loại rắn độc thuộc họ rắn lục) cắn, các bác sĩ đã sử dụng huyết thanh kháng độc truyền và sau đó kiểm soát được tình trạng chảy máu.
"Đến nay chức năng đông cầm máu của cháu bé đã trở về bình thường, tình trạng nhiễm trùng chân đã cải thiện dần", bác sĩ Mỹ cho hay.
Khi bị rắn cắn, cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nên đem theo con rắn cắn để tiện xác định chủng loại để bác sĩ có hướng điều trị chính xác, nhanh chóng. Nếu trễ sau 24 đến 48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả. Bên cạnh đó, bác sĩ Mỹ cũng lưu ý nạn nhân khi bị rắn cắn không nên hoảng sợ bỏ chạy; không băng garo vì băng sẽ gây thiếu máu nuôi chi dưới; không được đắp đá, chườm lạnh và bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn; tuyệt đối không nặn máu hay hút nọc độc sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc.
Bác sĩ Mỹ cho biết trong y khoa, rắn độc thường được chia thành 2 nhóm. Nhóm gây rối loạn đông máu và xuất huyết như họ rắn lục (rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp). Nhóm ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở như họ rắn hổ (rắn hổ mang chúa, hổ đất, cạp nong, cạp nia, hổ mèo,...).