Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), cứ 10 người trưởng thành trên thế giới sẽ có một người mắc bệnh đái tháo đường. Đến năm 2045, dự báo của IDF cho thấy cứ 8 người trưởng thành thì có một người mắc đái tháo đường, khoảng 783 triệu người mắc bệnh lý này, tăng 46%.
Gánh nặng "đại dịch đường"
Đáng chú ý, có tới 50% số người mắc đái tháo đường không biết mình đang mắc bệnh. Đặc biệt, đái tháo đường ngày càng trẻ hóa và là nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc bệnh mắt ở người trẻ. Bởi đái tháo đường càng khởi phát sớm, người bệnh càng có nguy cơ bị các vấn đề thị lực sớm và nghiêm trọng hơn.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ở nhóm người trưởng thành 30-69 tuổi, tỷ lệ đái tháo đường là 2,7% vào năm 2002 đã tăng lên 5,4% năm 2012 và 7,3% vào năm 2020. Tỷ lệ có dấu hiệu tiền đái tháo đường là 17,8%.
Bác sĩ Nguyễn Kim Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đây là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu. Tuy nhiên, người dân có thể giảm tác động của bệnh đái tháo đường bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp.
Bác sĩ Kim Anh cũng nhấn mạnh người bệnh đái tháo đường nên chú ý những nguyên tắc trong điều trị bệnh như sau để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị
Các loại thuốc điều trị đái tháo đường được bác sĩ kê đơn dựa trên tình trạng bệnh lý cụ thể. Bỏ thuốc đột ngột có thể dẫn đến tăng đường huyết, nhiễm toan ceton, suy cơ quan hoặc các biến chứng cấp tính khác.
Bác sĩ Kim Anh cho hay kiểm tra đường huyết định kỳ giúp điều chỉnh chế độ điều trị kịp thời và tránh các biến chứng lâu dài như tổn thương thận, mắt và thần kinh.
Cảnh giác với phương pháp điều trị không chính thống
Các phương pháp như nhịn ăn gián đoạn hoặc sử dụng thực phẩm chức năng chưa được chứng minh hiệu quả rõ ràng trong điều trị đái tháo đường có thể gây nguy hiểm. Trước khi thay đổi chế độ ăn uống hay điều trị, bệnh nhân cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
"Mọi người cần nhận thức đái tháo đường là một bệnh mạn tính và hiện nay không có phương pháp không dùng thuốc nào để chữa khỏi hoàn toàn", bác sĩ Kim Anh nói.
Chế độ ăn uống khoa học
Ăn uống cân đối và đúng giờ, sử dụng nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đường đơn, mỡ bão hòa và thức ăn nhanh cũng giúp người bệnh kiểm soát đái tháo đường tốt hơn. Ngoài ra, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn để tránh tăng đường huyết đột ngột.
Hành vi nhịn ăn không đúng cách có thể gây hạ đường huyết hoặc thiếu dinh dưỡng, làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc yoga khoảng 30 phút mỗi ngày giúp bệnh nhân tăng cường hiệu quả kiểm soát đường huyết.
Cuối cùng, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để được đánh giá toàn diện và điều chỉnh điều trị nếu cần.