Hay tin Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hứng chịu liên tiếp 2 trận động đất lớn làm rung chuyển cả một vùng biên giới, khắp thế giới đứng ngồi không yên nghe ngóng tin tức và không quên cầu nguyện bình an sẽ ở lại với người dân 2 quốc gia vốn đã chịu thiệt thòi quá nhiều vì chiến tranh, loạn lạc.
Nhưng tin xấu vẫn dồn dập đổ về. Số người chết vẫn liên tục tăng lên theo cấp số nhân. Ban đầu là vài chục, vài trăm và chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, số người tử vong đã lên đến hàng nghìn. Chưa kể những người vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Trên truyền thông và mạng xã hội, người ta liên tục chia sẻ những hình ảnh nơi hiện trường tang thương, buồn rũ. Những tiếng la hét trong hoảng loạn xen lẫn tiếng máy ủi, xe cứu thương hú còi ầm ĩ giữa đống gạch đá bê tông vỡ vụn dưới trời mưa rét tuyết rơi lạnh lẽo. Tất cả tạo nên cảnh tượng nhuốm màu bi thương của một thảm họa khiến cả nhân loại bàng hoàng.
Thế mà, giữa một rừng tin xấu ấy, người ta vẫn rơi giọt nước mắt hạnh phúc khi một cảnh tượng có thể miêu tả bằng 2 từ "kỳ diệu" xảy ra.
Trên tài khoản Twitter của mình, phóng viên người Pakistan Talha Ch đã đăng tải đoạn video cho thấy cảnh một bé trai cất tiếng khóc chào đời ngay giữa đống đổ nát do trận động đất lịch sử gây ra ở thành phố Aleppo, Syria.
Anh viết: "Khoảnh khắc một đứa trẻ chào đời. Mẹ của cậu bé nằm dưới đống đổ nát của trận động đất ở Aleppo, Syria. Cô ấy đã chết sau khi em được sinh ra. Cầu Chúa ban sự bền bỉ cho người dân Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và thương xót các nạn nhân trong trận động đất".
Đoạn video đăng tải trên Twitter nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng và được chia sẻ, lan truyền như một tia hy vọng giữa thảm họa tang thương này.
Bị vùi dưới đống bê tông gạch vụn ấy, người phụ nữ không có cách nào thoát ra được. Rất nhiều người có mặt ở đó nhưng việc đưa thai phụ lên là điều chẳng hề dễ dàng. Không còn cách nào khác, họ để cô sinh con trong một tư thế "chưa từng thấy".
Đứa trẻ được một người đàn ông hớt hải đưa ra từ bên dưới đống gạch vụn. Mọi người xung quanh chứng kiến không giấu nổi sự căng thẳng tột độ.
Cuối cùng, đứa trẻ cũng bình an vô sự. Nhưng người mẹ đã trút hơi thở cuối cùng để lại cho đời một mầm sống bé nhỏ. Người ta nói, "chửa là cửa mả", sinh con vốn dĩ là một điều hết sức gian nan với vô vàn rủi ro không ai biết trước được.
Ở trong phòng sinh với một đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng khó tránh khỏi hoang mang sợ hãi, huống chi là một đống đổ nát đang đè nặng lên cơ thể mình như thế. Người mẹ ấy, quả thực, đã quá vĩ đại rồi!
Dù những người cứu hộ đã nỗ lực hết sức, nhưng lại không giữ được mạng sống cho thai phụ. Em bé sống sót được xem như một phép màu đáng trân trọng giữa một thảm họa đau thương.
Bé trai ấy có thể tượng trưng cho một tia lạc quan hy vọng mong mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn sau trận động đất lịch sử này. Sẽ còn nhiều khó khăn vất vả khi phải dựng lại nhà ở đã mất, phải trấn tĩnh sau hoảng loạn, phải kiên cường sau mất mát đau thương, và hơn cả là kìm nén nỗi đau mất đi những người thương yêu nhất cuộc đời...
Bé gái 18 tuổi sống sót nhờ sự che chở của cha
Ở phía bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước Syria cũng đang phải gồng mình chống chọi với cú rung chuyển kinh hoàng từ bên dưới bề mặt Trái đất.
Cảnh tượng tang thương bao trùm khắp một vùng ở phía Bắc quốc gia Trung Đông này. Thế nhưng, đâu đó giữa cảnh tượng thảm khốc, người ta vẫn có những giây phút "thở phào". Ví như, khoảnh khắc cô bé Raghad Ismail (18 tháng tuổi) được đưa ra từ đống đổ nát, với điều kỳ diệu là em không hề bị xây xước gì.
Thực tình, chẳng có thế lực siêu nhiên nào bảo vệ Raghad khỏi thảm họa giết chết hàng ngàn người như thế này đâu. Mà chỉ có tấm lưng gầy của người cha với bao la thương yêu cho con gái nhỏ.
Vào giây phút biết không thể chống đỡ được với đám bê tông, gạch vụn trút xuống, cha của Raghad chỉ có thể ôm con gái vào lòng, chống lưng lên phía trên với hy vọng con sẽ được che chở, bình an. Cả mẹ, anh trai và chị gái của Raghad đều đã bị tước đi sinh mạng trong phút chốc thảm họa ập đến.
Chú của Raghad cho biết gia đình cô bé đã phải di dời khỏi thị trấn Morek trong cuộc chiến ở Syria. Vậy nhưng, chạy trốn khỏi chiến tranh thì họ lại không thoát được thảm họa thiên nhiên. Điều kỳ diệu là Raghad vẫn sống.
Đứa trẻ mới 16 tháng tuổi ngây ngô nhai mẩu bánh mì sau khi được giải cứu khỏi đống đổ nát của ngôi nhà ở thành phố Azaz. Raghad có lẽ chưa hiểu được thiên tai là gì, em càng không biết được tương lai sau này của mình sẽ ra sao khi không còn cha mẹ, anh chị bên cạnh. Nhưng nhìn vào ánh mắt sáng ngời của em, người ta như được tiếp thêm sức mạnh.
Bé trai chào đời từ đống đổ nát và cả cô bé Raghad, những em bé ấy từ nay sẽ được gọi là "hy vọng", bởi các em là sự sống vươn mầm từ chết chóc...
Nguồn: Opoyi Central