Chu kỳ hành kinh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chị em vì nó phản ánh phần nào tình trạng cơ thể của bạn đang tốt hay xấu. Vậy làm thế nào để biết được đâu là một chu kỳ chuẩn cũng như vấn đề kinh nguyệt không đều là gì? Hãy cùng tìm hiểu.
Kinh nguyệt không đều là gì?
Tên gọi cũng phần nào giúp chị em hình dung được rằng nếu kinh nguyệt không diễn ra theo một chu kỳ nhất định, đến sớm hoặc muộn hơn so với tháng trước, hay thậm chí là tắc kinh thì đó chính là kinh nguyệt không đều.
Cụ thể, theo khoa học, một chu kỳ nguyệt san sẽ kéo dài khoảng 28-30 ngày với độ chênh lệch là 3-5 ngày. Thời gian hành kinh chuẩn là từ 3-5 ngày tùy vào lượng máu ra nhiều hay ít. Để nhận biết triệu chứng kinh nguyệt không đều, chị em có thể căn cứ vào các dấu hiệu:
Chu kỳ ít hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày
- Thời gian hành kinh ngắn hơn 3 ngày hoặc dài hơn 7 ngày
- Lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít
- Máu có màu sắc bất thường (màu đen) hoặc lẫn cục máu đông
- Có dấu hiệu ra máu giữa 2 kỳ kinh
- Thời gian giữa 2 kỳ kinh kéo dài vài tháng hoặc vài ngày
- Kinh nguyệt bị ngừng trên 6 tháng (vô kinh thứ phát)
- Chưa bao giờ có kinh (vô kinh nguyên phát)
- Đau bụng dữ dội, mệt mỏi, đau lưng,... trong thời gian hành kinh
Nguyên nhân kinh nguyệt không đều
Sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có thể là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này không phải với mục đích chính là tránh thai, hãy ngưng ngay để bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra, chị em có thể tìm phương pháp tránh thai khác ít gây tác dụng phụ hơn để không phải lo lắng khi thấy kinh nguyệt không đều.
Căng thẳng
Não căng thẳng sẽ điều khiển hormone tuyến yên khiến cho quá trình tiết dịch và rụng trứng không ổn định. Vì vậy, những khi kinh nguyệt ra không đều có thể là do chị em đang gặp căng thẳng trong công việc hoặc chuyện gia đình. Giải pháp tốt nhất chính là thư giãn đầu óc, suy nghĩ tích cực để cơ thể tự điều hòa lại chu kỳ hành kinh của mình.
Tác dụng phụ của thuốc
Một trong những nguyên nhân vô hình tác động vào kinh nguyệt của chị em đó là các loại thuốc. Vài thành phần có trong thuốc mà bạn đang điều trị mỗi ngày tạo ra tác dụng phụ không mong muốn khiến cho việc hành kinh bị rối loạn. Một số loại thuốc có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc aspirin và ibuprofen
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc hóa trị
- Thuốc tuyến giáp
- Thuốc động kinh
Trong thời gian cho con bú
Sữa mẹ chứa nhiều prolactin ức chế hormone sinh sản khiến cho kinh nguyệt của chị em ra rất ít hoặc thậm chí không có trong thời gian cho con bú. Vì thế nếu ở trong tình cảnh này, bạn đừng nên lo lắng mà hãy kiên nhẫn đợi đến khi cai sữa cho con thì chu kỳ của mình sẽ ổn định trở lại.
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động kém có thể khiến kinh nguyệt kéo dài, ra nhiều và gây đau bụng. Trong khi đó, tuyến giáp hoạt động mạnh (cường giáp) lại khiến cho kinh nguyệt của chị em ra ít, chu kỳ ngắn hơn. Vì vậy, hãy kiểm tra sức khỏe thường xuyên và sớm phát hiện các vấn đề của cơ thể, chị em mới khắc phục được tận gốc chứng kinh nguyệt không đều.
Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu của bệnh gì?
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng trong buồng trứng có một số túi nhỏ chứa đầy chất lỏng gọi là u nang phát triển. Phụ nữ mắc phải bệnh này thường có lượng hormone sinh dục nam cao bất thường nên không rụng trứng, dẫn đến việc không có kinh mỗi tháng.
Hội chứng này nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời có thể gây hậu quả nghiêm trọng như vô sinh, hiếm muộn. Nếu đang mang thai, chị em rất dễ sảy thai và hình thành các bệnh về tim mạch, tiểu đường.
Ung thư cổ tử cung/ ung thư tử cung
Dấu hiệu nhận biết căn bệnh này thường là âm đạo chảy máu bất thường thậm chí không trong chu kỳ kinh hoặc xảy ra với người đã mãn kinh, kì kinh nguyệt kéo dài hơn, dịch tiết âm đạo có màu vàng lẫn máu,... Chị em nên sớm phát hiện các triệu chứng bất thường này và đến thăm khám ngay trước khi quá muộn.
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Bệnh viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng của hệ thống sinh sản nữ, thường gặp nhất khi bạn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (trừ AIDS). Phát hiện sớm, chị em được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể hồi phục. Nếu để quá lâu, bệnh sẽ lây lan và làm hỏng ống dẫn trứng, gây đau vùng chậu kéo dài.
Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis)
Đây là bệnh lý mà các lớp lót bên trong tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung. Các tế bào nội mạc tử cung chính là những tế bào rụng mỗi tháng trong chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ trong thời kỳ sinh nở.
Cách điều trị kinh nguyệt không đều
Điều trị dứt điểm bệnh lý liên quan
Như đã nói, kinh nguyệt không đều có thể xuất phát từ một vài bệnh lý trong cơ thể hoặc tác dụng phụ của thuốc gây ra khi điều trị bệnh đó. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám cẩn thận và xác định đúng nguyên nhân bạn đang gặp phải là gì. Nếu là bệnh đa nang buồng trứng và cường giáp, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc bổ sung hormone để cân bằng lại hormone trong cơ thể, kích thích kinh nguyệt ra đều đặn.
Thay đổi lối sống
Nếu vận động nhiều, cường độ cao là nguyên nhân khiến kinh nguyệt của chị em không ổn định thì hãy thay đổi lối sống của mình. Bạn vẫn nên vận động để cơ thể khỏe mạnh nhưng hãy giảm tần suất và cường độ xuống. Đặc biệt, phương pháp thả lỏng cơ thể giúp ích rất nhiều trong việc điều trị nên hãy thực hiện thường xuyên.
Kiểm soát cân nặng
Tăng cân có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Vì vậy giải pháp dành cho chị em thừa cân chính là giảm trọng lượng của mình để điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên, bạn không nên vì thế mà áp dụng phương pháp giảm cân đột ngột. Nếu cân nặng tuột xuống nhanh, chị em sẽ mắc chứng rối loạn kinh nguyệt ngay.
Phẫu thuật
Sau khi đã tiến hành thăm khám và phát hiện nguyên nhân từ các vấn đề liên quan đến sẹo, cấu trúc tử cung, ống dẫn trứng,... Giải pháp duy nhất lúc này dành cho bạn chính là phẫu thuật để sửa chữa lại và giúp kinh nguyệt ra đều đặn hơn.
Với những thông tin được cung cấp trên đây phần nào đã giải đáp được thắc mắc kinh nguyệt không đều là gì cũng như cách khắc phục khi ngày "đèn đỏ" không xuất hiện như ý muốn. Lời khuyên tốt nhất dĩ nhiên vẫn là bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, như vậy việc điều trị sẽ triệt để và nhanh chóng hơn.