Đôi khi cha mẹ chọn cách trị con ngang bướng đó là chửi mắng, đánh đập. Tuy nhiên, đây là cách sai lầm khi nó sẽ mang lại tác dụng ngược và bé sẽ càng khó dạy bảo hơn. Bởi vậy, nếu bạn chưa tìm ra cách nào hay hơn để giúp con không còn ngang bướng và trở nên ngoan ngoãn thì hãy cùng tham khảo một số biện pháp đơn giản dưới đây.
Những cách trị con bướng bỉnh sai lầm
Nhiều trẻ em ương bướng, khó dạy bảo là do thiếu sự quan tâm của cha mẹ ngay từ đầu. Khi bé muốn nhận được nhiều sự chú ý thì sẽ có các chiêu trò như đập đầu, ăn vạ hay khóc lóc và thậm chí là dùng bạo lực với người xung quanh. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp khác, các bé dù được quan tâm nhưng vẫn ương bướng bởi do cha mẹ nuông chiều và dạy con chưa đúng phương pháp.
Cha mẹ thường vội tránh con khi con không nghe lời mình. Hay hù dọa, sử dụng đòn roi, bắt lỗi sai khi chưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Hoặc cũng không ít trường hợp, cha mẹ lại chọn cách dỗ dành khi trẻ ăn vạ. Cứ như vậy trẻ sẽ càng trở nên khó dạy và liên tục sử dụng chiêu trò với cha mẹ.
Dường như, đây là những cách dạy bảo khi con ngang bướng sai lầm vì nó sẽ khiến các bé ỷ lại và tạo thành thói quen nếu như không thay đổi phương pháp ngay.
Những cách dạy con trẻ bướng bỉnh khoa học
Nếu trước đây, phương pháp “thương cho roi cho vọt” trở thành cách dạy con hiệu quả thì ngày nay, dạy con không đòn roi tỏ ra tốt nhất và khoa học hơn.
Cùng trẻ xây dựng quy định
Cha mẹ hãy trò chuyện và cùng với con xây dựng nên một nội quy và sẽ xử phạt nếu như vi phạm quy định đó. Cha mẹ nên nhắc lại nhiều lần để con ghi nhớ. Nhờ vậy mà bé sẽ ít ngang bướng lại và sẽ cố gắng không vi phạm nội quy vì sẽ bị phạt. Đồng thời, lúc này, con sẽ không ngạc nhiên vì đã đồng tình với hình phạt như vậy rồi.
Cha mẹ hãy lắng nghe và không tranh luận
Mỗi khi nói trẻ không nghe lời, ương bướng thì cha mẹ không nên nóng giận mà tranh luận lập tức với con. Bởi như vậy sẽ làm con càng bướng bỉnh hơn. Do vậy, cha mẹ cần lắng nghe những tâm sự của con, nói chuyện một cách nhẹ nhàng. Khi bé đã dịu lại rồi thì hãy phân tích đúng sai để bé không tái phạm trong lần sau nữa.
Khen ngợi con khi cần thiết
Trẻ con khá hiếu động và chuyện ương bướng, không nghe lời rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, trẻ em khá đáng yêu và có nhiều điểm cộng. Do vậy, cha mẹ nên động viên và khen ngợi con đúng lúc. Như vậy con sẽ cố gắng làm điều tốt, không ỷ lại và cáu gắt nữa.
Cha mẹ có thể tặng cho con những món quà nhỏ để bé thêm hào hứng và làm điều mà cha mẹ yêu cầu để nhận được phần thưởng.
Cha mẹ cần quan tâm con nhiều hơn
Đừng vì công việc bận rộn mà bỏ bê con cái, bởi đây chính là nguyên nhân dẫn đến bé ngang ngạnh, không chịu nghe lời. Cha mẹ cần dành thời gian để chơi đùa, trò chuyện cùng con. Đồng thời nên cố gắng hiểu được tâm tư, những khó chịu của con và giúp con giải tỏa. Khi nhận được sự quan tâm của cha mẹ, trẻ chắc chắn sẽ vui vẻ hơn, ngoan hơn và tình trạng ương bướng cũng được cải thiện.
Đừng bắt ép con làm điều không muốn
Có nhiều cha mẹ cứ bắt ép con làm những điều mà mình muốn. Nhưng bé cũng có tâm tư và nhu cầu riêng. Bởi vậy đừng cố bắt con làm theo ý mình vì nó sẽ khiến con nảy sinh ý định chống trả và không nghe lời. Cha mẹ hãy đáp ứng điều con mong muốn nhưng trong phạm vi cho phép. Đồng thời bằng sự khéo léo của mình, hãy thuyết phục con làm những điều hay và thói quen tốt.
Như vậy, không cần sử dụng đến đòn roi hay chửi mắng, cha mẹ vẫn có thể “trị” được con ngang bướng bằng những cách thức khá đơn giản. Hãy lưu lại để làm cẩm nang dạy con sau này.