Vitamin C là gì?
Vitamin C hay còn gọi là sinh tố C (acid ascorbic) là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho các loài động vật bậc cao. Sự hiện diện của acid ascorbic là rất cần thiết cho một loạt các phản ứng trao đổi chất ở tất cả các động vật và cây cối.
Vitamin C được tạo ra trong cơ thể của hầu hết các sinh vật, ngoại trừ loài người, khỉ, cá heo do thiếu enzyme đặc hiệu xúc tác chuyển hóa Glucose thành Vitamin C.
Vì vậy, có thể thấy, cơ thể người không tự tạo ra Vitamin C để sử dụng và phải bổ sung vitamin C. Thiếu vitamin C sẽ gây ra bệnh Scorbut (chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da).
Nguồn cung cấp vitamin C
Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi. Hàm lượng vitamin C trong rau quả thường phân phối không đều, vitamin C thường có nhiều ở lớp vỏ hơn ở ruột, ở lá nhiều hơn ở cuống và có hàm lượng cao trong các loại rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, cải brussel , cà chua, cải xoong, cam, quýt, chanh, bưởi…
Thông thường, các loại rau quả trồng ở nơi đầy đủ ánh sáng sẽ có hàm lượng vitamin C cao hơn. Nếu tính số mg vitamin C có trong 100g rau quả ăn được thì: Rau ngót chứa 185mg, cần tây 150mg, rau mùi 140mg, kinh giới 110mg, rau đay 77mg, tiếp theo là súp lơ, rau thơm, su hào, rau diếp, rau muống...
Trong các loại quả thì nhiều nhất là thanh trà chứa 177mg, sau đó là bưởi 95mg, thị 81mg, ổi 62 mg, nhãn 58 mg, đu đủ chín 54 mg, tiếp theo là quýt, cam, chanh, vải, dứa...
Nhu cầu Vitamin C của con người
Cơ thể không thể hấp thụ tất cả các vitamin C được bổ sung từ bên ngoài. Nếu một người dùng 30 - 180 mg vitamin C mỗi ngày, cơ thể họ sẽ hấp thụ khoảng 70 - 90% lượng vitamin này.
Nếu dùng nhiều hơn 1gam vitamin C mỗi ngày, cơ thể sẽ hấp thụ ít hơn 50%, cơ chế này giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ tiêu cực. Lượng vitamin C còn lại sẽ được đào thải qua nước tiểu.
Liều dùng thông thường cho người lớn hỗ trợ giảm cân với dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 50-200 mg/ngày.
Liều dùng cho người lớn để acid hóa nước tiểu: Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 4-12g/ngày chia làm 3-4 liều.
Liều dùng cho người lớn mắc bệnh Scorbut: Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 100-250mg/lần, 2 lần/ngày trong ít nhất 2 tuần.
Liều dùng cho trẻ em hỗ trợ giảm cân: Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 35-100 mg/ngày.
Liều dùng cho trẻ em để acid hóa nước tiểu: Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 500mg mỗi 6-8 giờ.
Liều dùng cho trẻ em mắc bệnh Scorbut: Dạng uống, tiêm bắp, truyền dịch, tiêm dưới da: 100-300 mg/ngày chia làm nhiều lần trong ít nhất 2 tuần.
Khi nào nên uống Vitamin C để tăng sức đề kháng?
Vitamin C rất quan trọng trong việc cải thiện chức năng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, giúp tăng khả năng miễn dịch. Vitamin C hỗ trợ hàng rào biểu mô chống lại các tác nhân gây bệnh, thúc đẩy hoạt động chống oxy hóa, giúp các tế bào tránh các tổn thương từ gốc tự do.
Vitamin C hoạt động trong môi trường nước của cơ thể, ở cả nội bào và ngoại bào. Vitamin C hỗ trợ vitamin E trong việc chống oxy hóa cơ thể, từ đó là tăng cường hiệu lực của vitamin E. Ngoài ra vitamin C hỗ trợ chức năng hoạt động của các tế bào giúp bảo vệ hệ miễn dịch, từ đó vết thương mau lành, ngăn ngừa các mảng bầm trên da.
Thiếu vitamin C sẽ dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp. Vì vậy cần bổ sung vitamin C vào chế độ ăn để dự phòng các bệnh nhiễm trùng, bổ sung ít nhất với hàm lượng từ 100-200mg/ngày.
Bao nhiêu vitamin C là quá nhiều?
Vitamin C có thể gây ra các triệu chứng khó chịu nếu dùng quá nhiều. Hội Thực phẩm và Dinh dưỡng đã thiết lập giới hạn tối đa cơ thể có thể chấp nhận được. Theo các chuyên gia, giới hạn trên đối với lượng vitamin C ở người từ 19 tuổi trở lên là 2.000 mg ở nam và nữ. Giới hạn này vẫn giữ nguyên cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Bổ sung vitamin C rất cần thiết cho các hoạt động sống của cơ thể, giúp nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên không vì vậy mà bổ sung quá liều. Vitamin C dạng uống cũng như một loại “thuốc”, tiềm tàng nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe của chúng ta.
Dược sĩ Đỗ Mai Thảo
Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang