Đàn bà khóc không phải vì bản thân họ quá yếu đuối và nhu nhược. Nước mắt chính là những uẩn ức, những khổ sở, những niềm đau trong lòng. Khi nào đàn bà còn rơi nước mắt vì một người đàn ông nghĩa là lòng họ còn nặng nợ, còn yêu thương. Khi lòng dạ đã chai sạn, đã nếm trải quá nhiều đắng chát, khi nhận ra tất cả hi sinh đều là vô nghĩa thì đàn bà sẽ thôi khóc và chọn cách buông tay.
Anh rể cứ gọi điện liên tục, rồi nhắn tin vào điện thoại, Facebook nhờ tôi lựa lời an ủi, nói giúp với chị. Chị gái tôi xách vali dắt con về nhà đã hơn hai tháng. Chị cắt đứt liên lạc, tìm cách tránh mặt. Khi anh đến tận nhà tìm thì chị nói ba mẹ và tôi bảo rằng chị không có nhà. Chị không muốn nhìn thấy mặt người đàn ông tàn nhẫn đó nữa.
Ban đêm, chị em chúng tôi ngủ với nhau như cái thuở chị chưa lấy chồng. Tôi hỏi sao chị không cho anh rể một cơ hội? Nhìn anh sốt sắng đi tìm chị như vậy chắc là anh còn thương chị rất nhiều. Tôi nghe tiếng thở dài nặng trịch của chị: “Cơ hội chị đã cho anh ấy quá nhiều rồi”.
Rồi chị kể những uẩn khúc trong cuộc hôn nhân bất hạnh của mình. Thời gian đầu anh chị cũng hạnh phúc lắm. Hai người yêu thương nhau hết mực. Nhưng khoảng thời gian sau anh dần dần trở thành một con người khác hẳn: Vô tâm, hờ hững, ích kỉ… Mọi chuyện bắt đầu từ khi chị mang thai và sinh con.
Chị bị nghén nặng, mệt mỏi vô cùng. Ngày ói, đêm ói cùng những cơn chuột rút nửa đêm. Đàn bà mang thai yếu đuối chỉ mong chồng quan tâm, chăm sóc. Anh lại đi nghe lời mẹ chồng: “Gớm, đàn bà ai mà chẳng mang thai, sinh nở. Cứ làm như trên đời này có một mình nó biết đẻ. Cứ chiều chuộng riết rồi sinh tật”. Chị nuốt ngược nước mắt vào lòng. Có lẽ gối chăn nguội lạnh khiến anh càng bực bội, khó chịu. Anh cứ đi sớm, về khuya, có khi còn say xỉn. Tâm lí khi mang thai dễ xúc động, chị cứ khóc suốt.
Rồi chị sinh con gái. Trái ngược với suy nghĩ của chị rằng anh sẽ thương con thì anh lại hờ hững với con. Người ta có con đầu lòng cưng chiều con hết mực, còn này anh lại lạnh nhạt, vô tâm. Khổ sở vô cùng khi mấy tháng đầu chị rộc người vì con. Con bé cứ khóc ngày khóc đêm, ngủ thì chỉ thích bế trên tay, đặt lưng xuống giường là khóc ré. Đêm đêm, khi nhà chồng đã chìm vào giấc ngủ chị vẫn còn bế con đi lòng vòng trong bóng tối.
Chị tàn tạ, rộc người vì thức đêm, vì không thể nuốt nổi ngày ba bữa những món ăn lợi sữa mẹ chồng bắt ăn. Căng thẳng cực độ khi mẹ chồng cứ bắt chị nuôi con, kiêng cữ theo ý của mình. Chị giống như người chới với sắp chết đuối mà chẳng biết bấu víu vào đâu. Chị còn nghe chồng mình nói điện thoại với bạn: “Ờ vợ tao nó sinh sướng lắm, mẹ chồng cơm bưng nước rót tận miệng, chỉ việc ôm còn mà ngủ thôi”.
Chị đã khóc, đã gào lên với anh rằng hãy giúp chị chăm con. Chị mệt mỏi, chán nản lắm. Nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn tỏ ra khó chịu vô cùng khi suốt ngày nghe vợ than vãn, khóc lóc. Anh còn tránh về nhà, viện lí do công việc để đi ăn nhậu. Chị cảm thấy mình cô đơn vô cùng. Nhiều đêm ôm con mà trào nước mắt.
Con lớn dần lên nhưng anh vẫn không thay đổi. Nhiều đêm, chị khóc ướt gối vẫn không thể hiểu tại sao anh có thể sống vô tâm với vợ như thế. Chị đã hi vọng, đã trông chờ vào sự thay đổi của anh. Nhưng chị nhận ra, mọi thứ vẫn như thế. Chị có chồng nhưng vẫn cô đơn giữa gia đình này. Lòng chị chai sạn dần, chị bình thản chấp nhận sự lạnh nhạt của anh. Chị coi anh như cái bóng, có cũng được, không có cũng không sao. Sống vật vờ vài năm như thế, khi không chịu nổi nữa chị mới dắt con về nhà mẹ.
Đàn bà, đâu ai ngu dại gì mà buông bỏ người chồng tử tế. Khi đã cạn nước mắt, khi lòng dạ đã chai sạn thì họ còn con đường nào khác ngoài chuyện buông tay? Khi còn tình cảm, đàn bà có thể sống chết vì tình yêu của mình. Nhưng khi tình nghĩa đã cạn họ sẽ trở nên tàn nhẫn và tuyệt tình. Anh rể tôi bây giờ có hối hận, có tìm cách níu kéo thì cũng đã muộn màng. Chị đã viết đơn ly hôn rồi.