Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, gây chảy máu, sốc, các vấn đề về tim và rối loạn chức năng gan, được gọi là DSS (Hội chứng sốc sốt xuất huyết). DSS có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó, việc điều trị ban đầu cho người bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng.
Lá đu đủ được cho rằng có tác dụng tăng số lượng tiểu cầu. Do đó, nhiều người sử dụng loại lá này để điều trị sốt xuất huyết. Vậy thực hư về phương pháp này như thế nào? Chúng có thực sự hiệu quả?
1. Lá đu đủ có hiệu quả trong việc điều trị sốt xuất huyết không?
Một người khỏe mạnh có số lượng tiểu cầu hơn 100.000 nhưng sốt xuất huyết làm giảm số lượng tiểu cầu xuống còn 20.000, điều này rất nguy hiểm và điều cần thiết là phải tăng số lượng tiểu cầu cho người bệnh.
Theo Tiến sĩ Chaitali Deshmukh, một nhà tư vấn Ayurveda ở Ấn Độ chia sẻ với Health Shots rằng: Lá đu đủ có một số dược tính, là phương pháp tự nhiên điều trị bệnh sốt xuất huyết hiệu quả vì lá đu đủ có thể giúp tăng số lượng tiểu cầu và cũng có đặc tính chống sốt rét rất mạnh.
Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện trên 400 bệnh nhân, một nửa trong số đó thuộc nhóm đối chứng và được uống một lượng chiết xuất lá đu đủ nhất định dưới dạng viên nén cùng với phương pháp điều trị sốt xuất huyết thông thường. Người ta phát hiện ra rằng các bệnh nhân trong nhóm đối chứng ít gặp tác dụng phụ hơn và số lượng tiểu cầu cao hơn khi dùng thuốc đu đủ. Ngoài ra, họ không cần truyền máu.
- Giúp tăng cường miễn dịch. Khi một người bị sốt xuất huyết, điều cần thiết là tăng cường hệ thống miễn dịch để cơ thể có thể chống lại virus. Các hóa chất alkaloid, papain và phenolic có trong lá đu đủ hoạt động như những chất chống oxy hóa mạnh để tăng cường cơ chế phòng vệ của cơ thể.
- Giảm các triệu chứng sốt xuất huyết, chẳng hạn như hạ sốt.
2. Cách điều trị sốt xuất huyết từ lá đu đủ
Để điều trị sốt xuất huyết từ lá đu đủ, mọi người có thể tham khảo một số bài thuốc sau:
- Bài thuốc 1: Đun sôi lá đu đủ
+ Chuẩn bị nguyên liệu: một nắm lá đu đủ nhỏ, nên chọn lá không quá già cũng không quá non.
+ Thực hiện: Đầu tiên, bạn rửa sạch lá đu đủ và cắt nhỏ. Tiếp đó, cho lá đu đủ đun cùng khoảng 2 lít nước, khi nước sôi vặn nhỏ lửa. Đun đến khi nước cạn còn khoảng một nửa và lọc lấy nước uống trong ngày.
- Bài thuốc 2: Nước ép lá đu đủ
+ Chuẩn bị nguyên liệu: tương tự như bài thuốc 1, bạn chuẩn bị một nắm lá đu đủ nhỏ, nên chọn lá không quá già cũng không quá non.
+ Thực hiện: Để pha chế nước ép lá đu đủ, bạn cần rửa lá đu đủ thật sạch và cắt bỏ cuống, cắt lá giống như cắt bắp cải. Tiếp đó, cho lá vào máy xay sinh tố và thêm một ít nước đun sôi để nguội vào, ép lấy nước. Cuối cùng, bạn lọc sạch phần bã, lấy nước ép và uống trong ngày.
Nước lá đu đủ có thể có vị rất đắng. Sau khi uống có thể cho bệnh nhân uống thêm một ít đường thốt nốt hoặc một chút đường để cải thiện vị giác.
3. Những lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết từ lá đu đủ
Được biết có tác dụng tăng số lượng tiểu cầu, tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, khi sử dụng lá đu đủ để điều trị bệnh, mọi người nên lưu ý:
- Lá đu đủ chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh sốt xuất huyết, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Do đó, mọi người cần tuân thủ theo lời khuyên và phương pháp điều trị từ bác sĩ để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.
- Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em không nên áp dụng phương pháp này hoặc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Hiện chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị cho liều lượng chính xác khi sử dụng lá đu đủ. Tuy nhiên, dùng ba liều lên đến 30ml chiết xuất lá đu đủ mỗi ngày được coi là an toàn và hiệu quả để điều trị sốt xuất huyết.
- Khi điều trị sốt xuất huyết từ lá đu đủ, mọi người vẫn cần đảm bảo các biện pháp điều trị chính cho bệnh nhân như nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt nếu có sốt cao, bổ sung nhiều chất lỏng (từ 2 đến 3 lít nước, oresol hoặc nước hoa quả, canh, …), duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Lưu ý khác
Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh trở nên tồi tệ hơn thì bạn cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, cụ thể:
- Nôn mửa thường xuyên
- Đau bụng
- Máu trong chất nôn hoặc phân
- Chảy máu nướu hoặc mũi
- Cực kỳ mệt mỏi, bồn chồn và khó chịu
Có thể nói, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên mọi người cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp như tiêu diệt muỗi và các nơi trú ngụ của chúng, ngủ trong màn/mùng, khi ra ngoài nên mặc quần áo dài tay,... Tuân thủ theo lời khuyên và chỉ định điều trị từ bác sĩ để tránh gặp các biến chứng.