Người ta hay nói rằng, hôn nhân có ba giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất là “mật ngọt”, sau khi cưới 1-2 năm, tất cả còn mới mẻ, tình yêu hiện hữu khắp nơi, ngay cả cú gãi đùi sồn sột của “bên kia”, hoặc cái ngoáy mũi liên tục của “bên ấy” vẫn thấy đáng yêu vô cùng.
Giai đoạn thứ hai gọi là “ngõ cụt” khi bắt đầu có con nhỏ và cơm áo gạo tiền chồng chất lên vai. Nếu cha mẹ hai bên khá giả, vợ chồng trẻ có thể nhờ cha mẹ giữ con hay “cứu trợ” về tài chính thì ngôi nhà nhỏ sẽ bớt bão bùng.
Nếu cha mẹ hai bên nghèo khó, người chồng trẻ không chỉ đi làm để nuôi đứa con mới sinh, nuôi vợ đang trong thời kỳ chăm con nhỏ và nuôi luôn cả cha mẹ già yếu bệnh tật thì sức ép tinh thần và thể chất đè lên anh thật nặng nề. Để rồi khi về nhà, bưng chén cơm lên là nghe vợ kêu ca vật giá leo thang, chưa hết tháng đã hết lương mà còn trăm thứ cần chi tiêu.
Cha trở bệnh mấy hôm nay chưa đi khám được, mẹ sao mà đau nhức cơ khớp quá đi thì con đường tương lai trước mặt đức lang quân sao mà tăm tối thế. Chàng không thấy vui vẻ hứng khởi gì hết, chỉ thấy chữ tiền… tiền… tiền đập vào tai, vào mắt, vào miệng, vào khắp cơ thể mỗi khi về nhà. Vậy là sóng gió nổi lên khi chàng bảo rằng “Tôi chứ có phải thần thánh gì đâu mà có thể hô biến là ra tiền? Em là đàn bà phải biết cân đo tài chính chứ”.
Trời ơi, làm sao mà cân đo khi đường vô của tiền chỉ có “một cửa một dấu” mà đường ra nhiều cửa như vòi bạch tuộc? Vậy là khóc lóc kể lể, than trời trách đất và nếu không bình tĩnh được thì người mẹ trẻ sẽ bồng con cuốn gói ra khỏi nhà. May mắn nếu gia đình chồng biết suy nghĩ sẽ bảo chồng đến nhà ông bà nhạc năn nỉ vợ về, mọi việc từ từ giải quyết. Còn nếu bên này quyết định "đi thì cho đi luôn” thì xem như bít đường trở lại.
Ấy là hôn nhân của bạn mới được khoảng 5-6 năm thôi nhé. Cố nhắm mắt nhắm mũi được mười năm thì cảm giác nhàm chán hôn nhân sẽ xuất hiện. Đó là khi đi ra đi vô cứ gặp hoài “khuôn mặt mốc”. Mười năm qua kiểu tóc của vợ không thay đổi, “Kệ, bao nhiêu việc phải lo, lo gì mái tóc”. Ba ngàn ngày qua, chồng cũng không có lấy cái áo mới, chiếc quần đùi mặc ở nhà xoăn gấu với câu ơ hờ “Kệ, ở nhà ai thấy mà mua sắm cho tốn tiền”. Mỗi người đóng cho mình một cái “kệ” để rồi tự chán nhau.
Họ chán nhau vì đã quá quen thuộc chứ không phải vì hết yêu thương. Chán đến nỗi thấy bên kia ngoáy mũi là kêu dị òm. Chán đến nỗi thấy bên ấy gãi sồn sột là nói mất lịch sự. Rồi bao câu từ trái ngang nhất đem văng vào nhau mà quên rằng những hành vi đó ngày xưa ta đã từng yêu, từng chấp nhận.
Chán đến nỗi hét lên “Mười năm qua không biết ăn trúng gì mà tui sống được với ông/ bà?”.
Lửa hôn nhân nhạt từ việc thấy nhau là “nghe chướng chướng” thì làm sao tránh khỏi cảnh đồng sàng dị mộng khi bà vợ nhìn chồng thấy hổng ưa; chồng nhìn vợ thì nhủ “thôi cứ im lặng cho lành”. Rồi họ nằm quay lưng vào nhau mà ngủ chứ không ôm nhau như ngày nào. Giấc ngủ cách một gang tay ấy rất nhọc nhằn dù anh rất muốn chạm vào người nàng nhưng lại sợ "gạt ra thì quê chết". Nàng muốn ôm anh nhưng lại lo “lỡ nói mình cần thì nhục lắm”. Vậy là để giữ sĩ diện cho mình, hôn nhân của họ đi vào ngõ cụt.
Giai đoạn thứ ba là “sau cơn mưa trời lại sáng”. Chỉ là không phải ai cũng chịu được những cơn mưa ấy.
Nếu trong giai đoạn thứ hai đó, bạn chịu khó bỏ cái "sĩ diện hão” xuống để cùng nhìn vào mắt nhau, biết là vẫn còn cần nhau trong cuộc đời thì mái ấm gia đình sẽ tươi đẹp như bầu trời sau cơn mưa. Nhưng đáng sợ là trong giai đoạn “ngõ cụt” đó, cả anh và nàng đều cho rằng chân trời mới sẽ mở ra ở cuối đường hầm nào đó, nên vội vàng chia tay bởi “không hợp nhau”.
Tôi cũng từng đi qua giai đoạn “nhìn thấy nhau là nghe chướng chướng”. Nhưng may mắn là tôi chịu xem lại những hình ảnh thời kỳ còn mặn nồng, để biết rằng ta đã khó khăn thế nào mới có được nhau. Này là bữa cơm ngày ra mắt nhà anh, hai đứa đều buồn xo vì mẹ anh chê em “bé xíu như cây kẹo làm sao mà đẻ được”.
Này là cảnh em ôm bụng bầu lê từng bước trong hành lang bệnh viện, anh theo sau vừa dìu vừa đỡ, lau mồ hôi cho em mà anh nói “Làm sao để anh đau phụ em, vợ ơi!”. Rồi cảnh con mình đầy tháng, anh ôm mà nhăn mặt vì sao bé nhẹ tênh. Rồi lúc con tập ăn, em bưng chén bột, anh chơi trò “ú òa” cho con há miệng ra. Đây là ảnh nhà mình đi du lịch khi con đầy tuổi, phía sau tấm ảnh, anh còn mạnh tay ghi dòng chữ “Trời có sập thì cả nhà mình cũng bên nhau nhé”.
Tối ấy chồng buông điện thoại cầm quyển allbum mà thẫn thờ. “Mới qua 12 năm mà sao ai cũng già hén em?”. Biết là “cá cắn câu” nên tôi nhích tới gần tai thì thầm “em vẫn thèm anh như hồi đó”. Bốn mắt nhìn nhau, hai luồng điện ở đâu xẹt tới, chồng nói khẽ “Bảo con ngủ sớm đi”.
Hôn nhân của tôi vì thế mà trở về thời “mật ngọt”. Còn bạn thì sao?