Ở Nhật Bản có rất nhiều cách để giáo dục một đứa trẻ nên người. Trong đó, hệ thống phương pháp dạy trẻ của giáo sư Shichida được nhiều bậc phụ huynh trên thế giới áp dụng.
Có 3 cách để cha mẹ có thể khéo léo dạy dỗ con cái: Cái ôm 8 giây, 5 phút thủ thỉ và phương pháp nhắc lại. Đây là cách dạy con thông minh kiểu Nhật mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng nên học hỏi.
Cái ôm 8 giây
Đây là cách giúp con có động lực và phát triển tính tự lập. Cách thực hiện phương pháp này rất đơn giản. Khi con hoàn thành các công việc mà cha mẹ giao như giúp mẹ nhặt rau, giúp cha lấy đồ, hay dọn quần áo… cha mẹ hãy ôm con vào lòng và nói lời cảm ơn con.
Không những ôm con nói lời cảm ơn, cha mẹ cần khen ngợi, nói những lời yêu thương với con. Bằng cách này, con sẽ cảm nhận được sự hạnh phúc. Từ đó, thúc đẩy trẻ làm nhiều điều tốt cho mọi người.
Cha mẹ nên lưu ý rằng phương pháp “cái ôm 8 giây” sẽ không có hiệu quả nếu thực hiện một cách hời hợt, qua loa. Cha mẹ hãy quan tâm, yêu thương con nhiều và tin tưởng vào khả năng của con.
5 phút thủ thỉ
Thời gian lý tưởng nhất để thực hiện phương pháp này là trước khi đi ngủ. Theo các nghiên cứu khoa học, lúc chuẩn bị vào giấc ngủ, mọi thông tin trẻ nghe sẽ được lưu giữ vô thức vào não bộ.
Vì thế, khi cha mẹ thủ thỉ nói chuyện với con, đọc truyện, hát ru, nói những gì con nên làm… sẽ có hiệu quả rất cao trong việc giáo dục con cái.
Mục đích của những phút thủ thỉ này là dùng lời lẽ yêu thương, những mong muốn tích cực bạn dành cho con, giúp điều chỉnh những nét tính cách chưa tốt của con. Hơn nữa, việc làm tưởng chừng đơn giản này lại có tác dụng lớn trong việc cải thiện chức năng não bộ.
Phương pháp nhắc lại
Thực tế chứng minh rằng việc lắng nghe có vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục con cái. Khi cha mẹ thật sự thích thú nghe những câu chuyện con kể, con sẽ cảm thấy mình được yêu thương và tôn trọng.
Khi cha mẹ nhắc lại những điều con kể không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn giúp con có thêm sự tin tưởng, dũng cảm để nói lên cảm xúc của bản thân mình.
Chẳng hạn khi con nói “Bố ơi, anh Bin không ngoan”, bạn trả lời rằng “Ồ, anh Bin không ngoan ư? Anh ấy đã làm việc gì?”. Cách lặp lại câu nói trước của con và đưa ra câu hỏi không chỉ giúp con giảm bớt sự khó chịu đang có mà còn giúp con có thời gian suy nghĩ lại sự đúng sai của câu chuyện.
Như vậy, chỉ mất rất ít thời gian, cha mẹ có thể giáo dục con cái thành những đứa trẻ có ích cho xã hội. Có một điều lưu ý khi các bậc phụ huynh áp dụng phương pháp này là cần thực hiện chúng một cách kiên trì, liên tục và đều đặn. Có như vậy, giáo dục con cái mới có hiệu quả.