Thông tin trên vừa được các nhà khoa học công bố ngày 14-10 trong một nghiên cứu mới của một nhóm nghiên cứu đến từ các đại học Trung Quốc và đăng trên tạp chí Nature Sustainability.
Theo Hãng tin AFP, các nghiên cứu trước đây đã cho thấy sự liên quan giữa ô nhiễm không khí và các biến chứng thai sản. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ một khía cạnh ít được nghiên cứu trước đây về vấn đề ô nhiễm: Sẩy thai "âm thầm" - khi bào thai chết hoặc không phát triển.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc với lượng lớn các chất ô nhiễm như SO2, CO hay khí ozone (O3) ở mặt đất có liên quan tới nguy cơ bị sẩy thai "âm thầm" trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Các nhà nghiên cứu đến từ 4 trường đại học và Học viện khoa học Trung Quốc (CAS) đã theo dõi quá trình mạng thai của hơn 250.000 phụ nữ ở Bắc Kinh từ năm 2009 - 2017. Trong số này, có tới 17.497 ( tức chiếm 6,8%) trường hợp bị sẩy thai mà không hay biết.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị từ các trạm giám sát không khí gần nhà và nơi làm việc của những phụ nữ để đo đạc việc phơi nhiễm của họ với các chất ô nhiễm.
"Trung Quốc là một xã hội đang già hóa và nghiên cứu của chúng tôi là một động lực khác tiếp tục thúc đẩy nước này giảm vấn đề ô nhiễm không khí để tăng tỉ lệ sinh" - nhóm tác giả viết.
Trung Quốc đã nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh những năm qua. Tuy nhiên, nồng độ bụi mịn PM2.5 - vốn có thể xâm nhập sâu vòa phổi người - vẫn còn cao gấp 4 lần so với mức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.