Nhiều người ớn lạnh khi nghe lời khai sau gian dối "bé bị ngã", "vấp trúng, trượt tay" lặp đi lặp lại nhiều lần của hai cô giáo đánh chết bé P.T.Đ. 17 tháng tuổi.
Ngày 23/2, bé Đ. được mẹ đưa đến lớp của Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành. Khi 2 cô giáo đưa Đ. vào buồng ngủ thì cháu bé khóc, chạy ra ngoài.
Thấy vậy, Lành bực tức, bế Đ. lên rồi ném xuống khiến bé trai đập đầu xuống nền nhà. Sau đó, cô giáo này tiếp tục dùng tay tát cháu bé. Còn cô An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu nạn nhân.
Hóa ra, sau cảnh niềm nở đón trẻ từ tay phụ huynh, khi cánh cửa khép lại, lớp học không khác nào địa ngục với đứa bé. Hai cô giáo nhận giữ trẻ, làm công việc giữ trẻ nhưng vận hành công việc đó một cách vô cùng mất nhân tính.
Trong không gian làm việc, các cô giáo gào thét, chửi bới, đánh đập một đứa trẻ đi chưa vững đến tử vong. Dù rằng, chính họ hiểu hơn ai hết một trẻ bắt đầu đi lớp sẽ khóc, sẽ khó khăn, khó ngủ...
Hai đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước dư luận và cả với lương tâm về hành vi dã man của mình. Nhưng có một điều rất đáng suy ngẫm, cả hai không chỉ ác với đứa trẻ mà còn thể hiện sự tệ bạc, nhàu nhĩ với chính công việc họ đã lựa chọn.
Trong nhiều vụ việc bạo hành trẻ mầm non tại TPHCM gây chấn động như vụ ở nhà trẻ Phương Anh, Mầm Xanh, mẫu số chung có thể thấy là giáo viên, bảo mẫu niềm nở khi đón trẻ từ tay phụ huynh. Nhưng chỉ cần cánh cửa lớp đóng lại là cảnh tượng giáo viên, bảo mẫu gào thét, đánh đập, chửi bới... những đứa trẻ. Sự việc kéo dài cho đến khi được phát hiện.
Công việc hàng ngày ở nơi giữ trẻ vận hành theo phương thức đáng sợ như vậy. Đau lòng hơn khi nhiều người ta xem đó là điều bình thường, điều hiển nhiên trong công việc của mình.
Khi đã nói về việc nhiều giáo viên chấp nhận làm việc theo phương thức quái gở như trên, một chuyên gia trẻ em ở TPHCM chia sẻ, có sự khác biệt rất lớn trong việc chọn nghề giữa giáo viên Việt Nam và ở nhiều nước. Ở các nước tiên tiến, nhiều người chọn làm giáo viên vì họ yêu trẻ, họ muốn gắn bó và phát triển với công việc giáo dục trẻ em.
Còn ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ làm cô giáo mầm non có thể không xuất phát từ lý do này mà vì gia đình ép buộc, vì không biết làm gì khác... Điều này dẫn đến việc nhiều người không phù hợp, không có khả năng đang giữ vai trò giáo dục và có khi là nắm cả tính mạng con trẻ trong tay.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, không chỉ trong nghề giáo, giáo viên mầm non mà sự xấu xí, nhàu nhĩ của người lao động có thể thấy ở nhiều ngành nghề khác.
Từ người bảo vệ càm ràm, nhăn nhó, khó chịu với cả... thế giới, đến cô lễ tân mặt lúc nào cũng hằm hằm sát khí, nhân viên văn phòng làm việc qua loa cho hết giờ, anh thợ hồ làm việc sơ sài, người trực đường dây nóng thờ ơ với thông tin tiếp nhận hay người đầu bếp, tài xế cẩu thả, bác sĩ tắc trách, nhà thầu vô trách nhiệm... đều có thể nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người khác.
Họ đang từng ngày từng giờ đối xử tệ bạc với khách hàng của mình, xem khách hàng như... kẻ thù, đó cũng là đối xử tệ hại với chính nghề nghiệp mình lựa chọn. Nhưng nhiều người không hề nghĩ đến việc tìm cách thay đổi hay là tìm công việc khác.
Hạnh phúc trong công việc là khái niệm mới được nhắc trong vài năm gần đây không phải là lý thuyết mĩ miều hay trào lưu. Ngoài để mưu sinh cần phải gắn liền với hạnh phúc của mỗi người. Công việc phải giúp mỗi người tốt hơn, hoàn thiện hơn, tử tế hơn chứ không phải ngày càng trở nên xấu xí, tàn nhẫn.
Hạnh phúc này không phải cứ "làm việc mình thích" mà còn đến từ sự tỉ mỉ, chăm chút, tâm huyết, trách nhiệm, coi trọng nghề nghiệp và luôn muốn cải thiện công việc của mình tốt hơn....
Nhiều năm gần đây, lĩnh vực giáo dục, y tế luôn được nhắc đến với tình trạng nhân viên, giáo viên bỏ việc tăng cao. Điều này thường được lý giải do áp lực, thu nhập thấp nhưng thu nhập chưa hẳn là lý do chính dẫn đến việc nhân viên y tế, giáo viên bỏ nghề.
Không ít người không còn thấy hạnh phúc trong công việc, họ nghỉ việc để giải thoát cho những người phải chịu đựng mình và giải thoát cho chính bản thân.
Bà Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen nêu quan điểm, tình trạng giáo viên bỏ nghề không hẳn là tín hiệu tiêu cực. Có thể trong số giáo viên bỏ nghề, có người đã chọn sai nghề giờ họ chọn lại. Chuyển sang nghề khác có thể họ sẽ phát huy năng lực tốt hơn, đóng góp cho xã hội hiệu quả hơn, bản thân họ hạnh phúc hơn...
Ông Nguyễn Đức Điệp, quản lý nhân sự tại một tập đoàn thực phẩm ở TPHCM cho rằng, ngoài vấn đề chuyên môn, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và chính mỗi người lao động cần quan tâm đến hành trang về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp và cả về tâm hồn, về sự đồng cảm của mình với người xung quanh... Ngoài ra, rất cần một hệ thống quan tâm, dự báo về sức khỏe tinh thần của người lao động.
Hai "ác mẫu" An - Lành sẽ phải trả giá cho hành vi của mình. Còn mỗi chúng ta, ai cùng cần nhìn lại xem liệu mình có đang nhàu nhĩ, xấu xí, vô trách nhiệm, thậm chí tàn ác trong mỗi thời khắc làm việc?