Ổ dịch tích lũy nhiều ca bệnh nhất ở thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất với 131 ca ghi nhận được từ ngày 21/8. Tính từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận hơn 4.700 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong. Số mắc mới tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2021.
Tại các bệnh viện Đống Đa, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông... và tuyến trung ương như E, Nhiệt đới cũng xác nhận số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh. Trong số này, không ít trường hợp gia đình có nhiều người cùng mắc.
Sáng 2/9, chị Trang (Xuân La, Tây Hồ) đưa chồng vào bệnh viện tại Quận Ba Đình do sốt đã 3 ngày tự uống thuốc ở nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm. Anh được chỉ đinh làm xét nghiệm sốt xuất huyết kết quả dương tính và được chỉ định nhập viện.
Chiều cùng ngày, chị Trang cũng ngây ngấy sốt. Nghi ngờ có thể mình cũng mắc sốt xuất huyết chị xin bác sĩ đi khám. Kết quả, chị cũng dương tính.
Đáng sợ hơn, người phụ nữ này còn có dấu hiệu chảy máu chân răng khiến các bác sĩ phải đưa vào diện theo dõi “đặc biệt”.
Khác với chị Trang, anh Hưng (Ba Đình) sau tiêm vắc xin mũi 4 ngày thứ 3 mới thấy đau đầu, đau người kèm ngây ngấy sốt. Nghĩ do phản ứng phụ sau tiêm nên anh Hưng chủ quan chỉ uống efferagan những khi quá đau.
Sau đó 2 ngày, tình trạng đau đầu, đau người của anh Hưng không hề giảm mà ngày một tăng lên. Dù không sốt cao nhưng người đàn ông trung tuổi này nằm bẹp.
Ngoài ra, anh thêm cả combo mất ngủ, ngửi thấy mùi thức ăn là buồn nôn, vùng lưng anh bắt đầu xuất huyết dưới da.
Đến lúc này, anh mới đến viện khám, xin làm xét nghiệm sốt xuất huyết nhưng vẫn âm tính. Anh được cho về nhà theo dõi. Ngày hôm sau, anh lẩy bẩy đứng không vững.
Người nhà quyết định chuyển anh lên tuyến trên. Tại đây, anh được xác định sốt xuất huyết, tiểu cầu tụt sâu. Ngay lập tức anh được chỉ định tiểu cầu.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, đại diện Bệnh nghề nghiệp, viện Đa khoa Thanh Nhàn, cho biết đang điều trị 90 bệnh nhân, một nửa trong số này mắc sốt xuất huyết. Số ca bệnh tăng trong khoảng một tháng trở lại đây, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo BS Hà Huy Tình, Khoa Truyền nhiễm, BV Đống Đa hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có dấu hiệu cảnh báo. Các bệnh nhân ở ngày 5-6 của bệnh, chảy máu nhiều, ví dụ chảy máu mũi không cầm được, hoặc men gan tăng rất cao, suy gan cấp, chảy máu chân răng bất thường. Một số người kèm theo nhiễm khuẩn, viêm phổi.
Bên cạnh đó, tiểu cầu của bệnh nhân tụt rất nhanh, phải xét nghiệm máu liên tục, có ca lấy máu một tiếng một lần. Bệnh nhân nào bị cô đặc máu cần lấy máu hàng ngày. Độ tuổi của người bệnh đa dạng, không đặc biệt tập trung ở nhóm nào.
Đó là trường hợp, bệnh nhân nam 19 tuổi, nhập viện ngày thứ 5 của sốt xuất huyết, được chuyển tới từ bệnh viện tuyến dưới do chảy máu mũi không cầm được. Tiểu cầu của người bệnh rất thấp, chỉ 5.000 đơn vị, phải truyền thêm hai khối tiểu cầu và cầm máu hai lần.
Hoặc bệnh nhân nam 67 tuổi, ở Quốc Oai, nhập viện ngày 4/10 do được tuyến dưới chuyển lên. Tiểu cầu của bệnh nhân còn 5.000, men gan tăng nhiều, không chảy máu, không có bệnh nền đặc biệt. Hiện bệnh nhân đã được truyền tiểu cầu và theo dõi chặt tại khoa.
Lý giải nguyên nhân số ca nặng tăng, các bác sĩ cho biết người bệnh có tâm lý chủ quan, cho rằng chỉ cảm sốt thông thường, vì vậy khi đi khám và xét nghiệm thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Trong khi đó, theo các bác sĩ sốt xuất huyết thường diễn biến khoảng hơn một tuần. Ban đầu, bệnh nhân sẽ sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người, mỏi cơ.
Từ ngày 3-7, tiểu cầu giảm dần, kèm máu bị cô đặc, bệnh nhân có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:
Nằm nghỉ ngơi;
Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt;
Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh;
Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.