3 ngày từ khi tự nặn mụn ở ngón tay, Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), 20 tuổi, sống tại Tây Hồ (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau ở vị trí nặn.
Nghĩ rằng chỉ là bệnh vặt, Nam quyết định tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau đó một ngày, tình trạng của ngón tay lại diễn biến nặng hơn. Đáng nói, Nam bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt cao nên được đưa vào viện ngay trong đêm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Nam được thăm khám, làm các xét nghiệm và được chẩn đoán bị viêm mô bào ở ngón tay.
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp chia sẻ: "Thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh, mệt mỏi, ngón tay sưng, tím đều và đau. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô bào ở ngón tay do nhiễm khuẩn trong quá trình nặn mụn".
Theo chuyên gia này, việc không đảm bảo vệ sinh khi nặn mụn đã tạo đường xâm nhập cho vi khuẩn đặc biệt là tụ cầu.
Nhiễm khuẩn tụ cầu là một loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn thuộc họ Streptococcus gây ra. Có nhiều loại vi khuẩn thuộc họ Streptococcus có thể gây nhiễm khuẩn ở con người.
Nhiễm khuẩn tụ cầu thường lây lan qua việc tiếp xúc với các giọt bắn, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người bệnh. Tuy nhiên, các vết thương hở cũng là "cánh cửa mời gọi vi khuẩn".
"Đây là một dạng của nhiễm trùng cơ hội. Dạng này hay gặp ở những người bị chấn thương, lở loét bởi nó tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh", BS Thiệu thông tin.
Dựa theo hướng chẩn đoán là viêm mô bào ngón tay, bệnh nhân sẽ được điều trị kháng sinh cho tụ cầu.
Cũng theo chuyên gia này, hiện nay dịch vụ nặn mụn tại các cơ sở làm đẹp, tiệm làm tóc, spa đang nở rộ. Tuy nhiên, người dân cần chú ý lựa chọn các cơ sở uy tín. Việc các cơ sở sử dụng dụng cụ nặn mụn không được sát khuẩn đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh.
"Các dụng cụ không đảm bảo công tác sát khuẩn có thể mang theo những mầm bệnh của khách hàng trước đó và lây truyền. Đáng nói không chỉ là vi khuẩn tụ cầu, mà có thể có các mầm bệnh khác như virus viêm gan, thậm chí là HIV", BS Thiệu nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, nhiều hành vi thường ngày có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mà người dân ít ngờ đến.
Điển hình như ca bệnh phải nhập viện điều trị nhiều ngày liền chỉ vì nhổ sợi lông mọc ngược, mà BS Thiệu tiếp nhận cách đây không lâu.
Theo đó, chỉ một ngày sau khi nhổ bỏ sợi lông mọc ngược trên ngón chân cái, cô gái 19 tuổi bất ngờ xuất hiện tình trạng tấy đỏ, mưng mủ đầu ngón chân cái. Không chỉ vậy, từ cổ chân đến bàn chân của bệnh nhân đều sưng nề.
Theo BS Thiệu, nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Tuy nhiên, có một số nhóm người và đối tượng có nguy cơ cao hơn do các yếu tố đặc biệt.
Trẻ em là nhóm đối tượng đầu tiên, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là độ tuổi thường có hệ miễn dịch yếu hơn, dễ bị nhiễm khuẩn.
Người cao tuổi cũng thuộc nhóm người nguy cơ cao do hệ miễn dịch đã suy yếu. Tuổi cao kèm theo các vấn đề sức khỏe khác chính là "điều kiện thuận lợi" để vi khuẩn tấn công.
Nhiều nhóm đối tượng khác cũng cần chú ý như người sống trong môi trường không hợp vệ sinh, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ. Nhân viên y tế, người có tiếp xúc với động vật cũng không thể chủ quan.
Nhằm hạn chế việc bị nhiễm khuẩn, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch ít nhất trong 20 giây. Sử dụng chất khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn nếu không có xà phòng và nước.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa vệ sinh tay.
- Đảm bảo sử dụng đồ bảo hộ khi tiếp xúc với động vật và môi trường hoang dã.
- Tiêm phòng đầy đủ, chủng ngừa theo lịch và kiểm tra sức khỏe đều đặn. Vệ sinh đồ dùng cá nhân và môi trường sạch sẽ.