F0 nặng nhập viện tăng vọt trong 3 ngày cuối tuần
Sau một tuần xuất hiện các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nhân 77 tuổi (sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn.
Với kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, ho và suy hô hấp tăng lên. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã phải can thiệp thở oxy dòng cao HFNC.
"Tình trạng của bệnh nhân hiện tại đang tiến triển nặng hơn và có thể phải đặt ống thở máy trong hôm nay", BS Phúc cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, cụ ông có tiền sử tiêm 3 mũi vaccine Covid-19 và mắc nhiều bệnh nền như: tiểu đường, cao huyết áp…
Sau một tuần hạ nhiệt, cuối tuần qua, lượng bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bất ngờ tăng vọt.
"Chỉ trong 3 ngày cuối tuần, khoa chúng tôi đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Các bệnh nhân được chuyển lên từ khắp các tỉnh thành miền Bắc, đặc biệt tập trung tại Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình", BS Phúc cho hay.
Chỉ tính riêng ngày 16/10, đã có 3 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Hà Nội phải chuyển lên đơn vị đang điều trị các F0 nặng nhất miền Bắc này.
"Hiện tại khoa Hồi sức tích cực đang tiếp nhận điều trị 43 bệnh nhân, mức này tương đương với giai đoạn cao điểm tháng 7 - 8 vừa qua. Trong khi đó, cách đây một vài tuần, con số này chỉ khoảng 30 bệnh nhân", BS Phúc thông tin.
Theo chuyên gia này, khoa Hồi sức tích cực có thể tiếp nhận tối đa khoảng 50 bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu lượng bệnh nhân tăng đến mức này thì lực lượng điều trị sẽ có nguy cơ bị quá tải.
Theo BS Phúc, để giảm tải cho tuyến đầu, cũng như tối ưu hóa công tác điều trị, các bệnh nhân nặng sau khi chữa khỏi Covid-19 cũng như tình trạng tương đối ổn định sẽ được chuyển xuống tuyến dưới, để tiếp tục điều trị các tổn thương trong cơ thể cũng như bệnh nền cho đến khi được xuất viện.
Theo thống kê cập nhật đến ngày 16/10 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện Hà Nội đang có 3.544 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà, 159 ca điều trị tại các bệnh viện. Trong số đó có 153 bệnh nhân ở mức trung bình.
Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại các quận nội thành
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Vì vậy, các địa phương trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Mạnh Quân).
Tính đến ngày 13/10, quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận 72 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với tổng số 5 ổ dịch, trong đó 3 ổ dịch đã ngừng hoạt động, hiện vẫn còn 2 ổ dịch đang hoạt động tại: số 64 Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo và tại số 15 Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân.
Số ca mắc sốt xuất huyết hiện tại đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao như: Trần Hưng Đạo: 23 ca; Phúc Tân: 16 ca; Đồng Xuân: 8 ca; Chương Dương: 8 ca.
Tại quận Hai Bà Trưng, tính đến ngày 13/10, toàn quận ghi nhận 172 ca mắc sốt xuất huyết. Quận cũng có 26 ổ dịch sốt xuất huyết, chưa có bệnh nhân tử vong.
Phường Đồng Tâm là một trong những điểm nóng về dịch bệnh trên địa bàn. Hiện tại, phường Đồng Tâm đã ghi nhận 18 ca mắc/6 ổ dịch sốt xuất huyết, cao nhất quận Hai Bà Trưng.
Tại huyện Quốc Oai, tính từ đầu năm đến nay đã có 20/21 xã/thị trấn trên địa bàn huyện (trừ xã Đông Xuân) ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết. Lực lượng chức năng của huyện khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.