Thời gian ủ bệnh của cúm là khoảng thời gian từ khi một người bị nhiễm virus cúm cho tới khi họ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
1. Thời gian ủ bệnh của cúm là bao lâu?
- Tại sao thời gian ủ bệnh của cúm lại quan trọng?
Thật khó để các chuyên gia dự đoán chủng cúm nào sẽ phát triển dạng "bùng phát" và phổ biến nhất trong một mùa nhất định do có rất nhiều các chủng cúm và biến thể của nó.
Nhưng hiểu được thời gian ủ bệnh của cúm sẽ giúp các chuyên gia y tế chỉ ra những cách ngăn ngừa việc bệnh phát triển theo hướng nghiêm trọng cũng như giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm sự lây lan của virus cúm ra cộng đồng một cách dễ dàng hơn.
- Thời gian ủ bệnh của cúm là bao lâu?
Dean Winslow, MD, Giáo sư y khoa tại Khoa Y học Bệnh viện và Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Stanford cho biết, thời gian ủ bệnh của cúm là từ 1 - 4 ngày, trung bình là 2 ngày và dường như không có thay đổi về thời gian ủ bệnh qua các năm.
GS. Winslow cũng giải thích rằng thời gian ủ bệnh cúm và Covid-19 dường như không thay đổi nhiều tùy thuộc vào chủng vi khuẩn. Điều có thể thay đổi là mức độ mắc bệnh của người mắc.
Các triệu chứng sớm của cúm (bệnh cúm) ban đầu có thể bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ thể và ớn lạnh
- Ho
- Viêm họng
- Sốt
- Các vấn đề về dạ dày - ruột
- Đau đầu.
- Bạn có thể can thiệp gì vào thời gian ủ bệnh của cúm không?
Trong một số trường hợp, có một số hoạt động trong thời gian từ khi bạn tiếp xúc với virus cúm và chưa có triệu chứng có thể tạo ra một vài khác biệt trong cách diễn biến của cúm.
Chẳng hạn như với những người có nguy cơ cao thì thuốc kháng virus có thể có hiệu quả, nhưng giáo sư cũng nhấn mạnh rằng thuốc kháng virus chỉ có hiệu quả nếu như được sử dụng sớm hơn trong thời gian ủ bệnh để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và thời gian của các triệu chứng.
Tiêm phòng cúm hàng năm cũng góp phần giúp gián đoạn thời kỳ ủ bệnh của cúm và giảm nguy cơ phải nhập viện từ 40 - 60%.
2. Thời gian lây nhiễm của bệnh cúm
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ thì thời kỳ ủ bệnh của cúm thường nhất quán ở tất cả các chủng nhưng thời gian lây nhiễm thì có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của người mắc cũng như các yếu tố nguy cơ sức khỏe đi kèm khác:
+ Người bị cúm dễ lây lan cho người khác nhất là từ 3 - 4 ngày sau khi bị bệnh
+ Một số người trưởng thành khỏe mạnh có thể lây bệnh cúm cho người khác một ngày trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và trong tối đa là 7 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện
Theo nguyên tắc chung thì sự xuất hiện của các triệu chứng là một cách giúp bạn biết rằng bạn đang trong thời kỳ có khả năng lây nhiễm.
+ Ở trẻ em, bệnh cúm có thể kéo dài thời gian lây nhiễm tới 10 ngày và thậm chí có thể xa hơn. Nhất là với những trẻ và người trưởng thành có vấn đề với hệ miễn dịch thì thời gian lây nhiễm bệnh cũng kéo dài hơn, lên tới vài tuần hoặc vài tháng sau khi họ nhiễm bệnh.
Bệnh cúm là một bệnh có các giai đoạn tiến triển theo các mức độ. Điều này có thể hiểu là các triệu chứng bệnh sẽ trầm trọng dần lên trước khi bạn khỏi bệnh. Tất nhiên là không phải tất cả mọi người đều phản ứng như nhau với virus cúm.
Tuy vậy thì bạn cần liên hệ với cơ sở y tế ngay, nếu:
- Bị tức ngực
- Khó thở
- Da và môi tái xanh
- Mất nước nghiêm trọng
- Chóng mặt và lú lẫn
- Sốt cao kéo dài không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt
- Ho nặng hơn.
Nhiều người cho rằng sử dụng tamiflu có thể khiến bạn không lây bệnh cho người khác nhờ đặc tính kháng virus. Tuy nhiên, tamiflu chỉ có thể rút ngắn thời gian bị bệnh nếu uống sớm nhưng bạn vẫn có thể lây bệnh cúm cho người khác khi có các triệu chứng kể cả khi đang dùng thuốc kháng virus này.
3. Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người bị cúm?
Mặc dù có nhiều phương pháp giúp ngăn ngừa bệnh tật khi tiếp xúc với người bệnh cúm nhưng chưa thực sự có biện pháp nào được công nhận. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh chính là tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Mặc dù hiệu quả không phải là 100% trong việc ngăn ngừa bệnh cúm nhưng tiêm chủng giúp bạn tránh nguy cơ kéo dài thời gian mắc bệnh hay cần nhập viện.
Nếu bạn tiếp xúc với người bị cúm, cần vệ sinh cá nhân đặc biệt là rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, nếu bạn bị ốm, hãy ở nhà; che miệng - mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay và khử trùng các bề mặt chạm vào thường xuyên.