Sau vụ giả mạo người ủng hộ để lừa 100 triệu đồng của người nhà nạn nhân tử vong trong trận mưa lũ tại thủy điện Rào Trăng 3, lại xuất hiện chiêu mới lừa tiền ủng hộ đồng bào khu vực lũ lụt.
Hầu hết các ngân hàng đã phát đi cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo qua ngân hàng, nhưng có lẽ đây là chiêu thức chưa từng được cảnh báo vì kẻ lừa đảo quá tinh vi khiến nạn nhân không chút nghi ngờ.
Nạn nhân trong vụ lừa đảo mới này là anh P.D.C., admin của một diễn đàn quy tụ những người yêu chạy bộ. Với tinh thần ủng hộ đồng bào miền Trung đang phải gồng mình chống lũ, ban quản trị của diễn đàn phát động gây quỹ từ các thành viên thông qua một giải chạy và đã thu hút hàng trăm người ủng hộ và đăng ký.
Sau khi biết được thông tin ngôi nhà nhỏ bé của nhà vô địch SeaGames 30 cự ly chạy Marathon Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) bị tan hoang vì bão số 9, ngày 29/10 anh P.D.C chia sẻ trên diễn đàn về việc sẽ trích một phần tiền từ số tiền huy động được để ủng hộ gia đình Hồng Lệ sửa chữa ngôi nhà sau bão.
Thông tin này được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, ngay trong buổi chiều cùng ngày, tài khoản Facebook của nữ VĐV Phạm Thị Hồng Lệ đã chủ động nhắn tin cho anh P.D.C nhờ chuyển khoản giúp 6,5 triệu đồng cho một người tên “Nguyen Tuan Phong”.
Nội dung tin nhắn từ tài khoản Facebook của nữ VĐV Phạm Thị Hồng Lệ: “Anh có sẵn tiền ở tài khoản đó không ạ? Chuyển giúp em 6,5 triệu với ạ. 7h em bắn lại” – tin nhắn từ phía Hồng Lệ gửi đến anh P.D.C. “Vietcombank 1016203121 Nguyen Tuan Phong. Anh ghi hộ em là Hồng Lệ chuyển tiền nha. Xong 7h em chuyển lại cho anh luôn”.
Mặc dù đã cẩn thận đề nghị chuyển tiền vào đúng số tài khoản mang tên Phạm Thị Hồng Lệ, nhưng anh P.D.C nhận được câu trả lời “tài khoản đang bị lỗi nên phải nhờ người khác”.
Để xác định chắc chắn người đang nhắn tin cho mình là VĐV Hồng Lệ, anh P.D.C còn chủ động gọi video call (cuộc gọi bằng hình ảnh), nhưng cuộc gọi chỉ được thực hiện trong vài giây ngắn ngủi rồi nhanh chóng bị ngắt kết nối.
Sau khi nhận 6,5 triệu đồng, đối tượng tiếp tục đề nghị anh P.D.C “giúp” thêm 7 triệu đồng và hẹn “đúng 7h em bắn lại anh cho đủ 13,5 triệu đồng”. Tuy nhiên, anh P.D.C cho biết chỉ còn 2,5 triệu đồng nên thực hiện thao tác chuyển khoản thêm 2,5 triệu đồng vào số tài khoản nói trên.
Sau hai lần nhận tiền với tổng số 9 triệu đồng, tài khoản FaceBook mang tên Phạm Thị Hồng Lệ tiếp tục đề nghị: “Anh có nhờ ai giúp em 5 triệu nữa cho đủ việc được không ạ?”. Cũng còn may cho anh P.D.C bởi đến lúc này anh đã nhận ra có dấu hiệu lừa đảo từ các đối tượng hack tài khoản Facebook của Hồng Lệ.
Câu chuyện được chia sẻ lên diễn đàn nói trên và thu hút sự quan tâm của cộng đồng thông qua hàng trăm lượt bình luận. Tài khoản Duc Nguyen cho biết anh cũng bị facebook Phạm Thị Hồng Lệ nhắn tin nhờ chuyển 8 triệu đồng cũng với lý do tương tự. Tuy nhiên, anh Duc Nguyen là người may mắn không bị sập bẫy lừa do đã nhận được cảnh báo từ phía anh P.D.C.
Theo anh Nguyễn Nam, một thành viên trên diễn đàn, hiện tại những phần mềm ghép mặt như Face app được mọi người sử dụng rất nhiều. Các đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm này để giả video call nên mọi người cần cẩn trọng.
Còn thành viên Nguyen Kien Quoc chia sẻ, cách làm giả video call trong vài dây là khá dễ dàng mà không cần các phần mềm cầu kỳ. Theo đó, chỉ cần ghi vài giây hình ảnh video của người cần giả mạo rồi phát trên một chiếc điện thoại khác có quay mặt vào camera trước của điện thoại đang gọi.
“Dĩ nhiên làm cách này thì hình ảnh sẽ xấu nhưng đối tượng có thể bảo là đang ở chỗ sóng yếu để tắt luôn video”, thành viên Nguyen Kien Quoc cho hay.
Thông thường, các đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp một số tài khoản mà chủ tài khoản không trùng tên họ với người quen của nạn nhân. Thành viên Minh Vũ chia sẻ kinh nghiệm “không bao giờ chuyển khoản cho tài khoản khác họ và tên người mình gửi”.
Theo thành viên có tên Nguyễn Hưng, khi chuyển khoản cho người khác cần lưu ý hai điều: Thứ nhất, tài khoản cá nhân phải chính chủ, nếu không phải lần đầu thì cần xác định đúng số tài khoản đã có trong lịch sử chuyển khoản. Thứ hai, trước khi chuyển khoản cần gọi điện cho người nhận bằng số điện thoại được lưu trong điện thoại, tuyệt đối không thực hiện cuộc gọi qua các ứng dụng messenger hay zalo,…
Chiều 30/10, trao đổi với PV Infonet qua điện thoại, nữ VĐV Phạm Thị Hồng Lệ xác nhận tài khoản Facebook mang tên “Phạm Thị Hồng Lệ” của cô đang bị hack và vẫn chưa thể lấy lại tài khoản này. Hồng Lệ cũng cho hay điều cô lo lắng nhất là không chỉ một mình anh P.D.C là nạn nhân trong vụ lừa đảo này.
“Hiện tại tôi vẫn chưa thể lấy lại tài khoản Facebook của mình. Vì không thể liên lạc được với mọi người nên tôi cũng không biết có bao nhiêu người bị kẻ xấu lừa tiền ngoài anh P.D.C” – Phạm Thị Hồng Lệ cho hay. Nữ VĐV này khẳng định sẽ trình báo cơ quan Công an về việc này.