Là một cô gái trẻ nhưng Minh Phương (23 tuổi, Hà Nội) đã rất chăm chỉ nấu ăn hàng ngày. Đối với 9X, nấu ăn tuy không hẳn là sở thích nhưng đó lại là cách giảm stress rất tốt, và cũng là cách để cô tự trò chuyện với chính mình. Phương lý giải, nếu như căng thẳng, mệt mỏi hay buồn bã, chú tâm vào việc nấu nướng và thưởng thức bữa ăn thì ngay sau đó bản thân có cảm giác như được an ủi, rất nhẹ nhõm. Nếu như đang vui vẻ, phấn khích, tự nấu bữa ăn cho mình thì trong cô giống như đang nhân đôi niềm vui vậy.
"Chắc nhiều người sẽ cho rằng cuộc sống của em giống kiểu “độc thân lý tưởng” khi mà tự nấu nướng như vậy. Nhưng thực ra là em đang trong một mối quan hệ với bạn trai ở tận Sài Gòn. Cũng được vài năm rồi và chúng em đều cố gắng tự chăm sóc cái dạ dày của mình thật tốt. Điều đó cũng giống như là chúng em đang tự chăm sóc tốt cho cảm xúc của mình, và đang chuẩn bị cho một tương lai có thể ở cạnh nhau, cùng nấu ăn mỗi ngày, cùng tận hưởng", 9X hạnh phúc nói.
Minh Phương
Từ nhỏ, cô nàng đã sống cùng gia đình trong một con phố nhỏ nằm trong trung tâm thành phố. Con phố này có rất nhiều hàng quán hấp dẫn. Chỉ cần đến các quán quen, ăn ngon mỗi ngày, nhìn các bà, cô, bác lên món, cùng nhau "tám" chuyện đã khiến Phương cực kỳ vui sướng. Thỉnh thoảng cô còn được cho thêm đồ ăn vì là khách quen, nên trong lòng vô cùng thích thú.
"Thế nên chẳng có ai dạy nấu ăn, em cứ nhìn người ta nấu, mỗi người một chút, đi đâu cũng nhìn một chút, dần dần lớn lên đã biết nấu rồi", Phương chia sẻ.
Tuy ở cùng gia đình nhưng bố đi công tác suốt, mẹ lại ăn chay, em trai có giờ học khác mình nên hầu như mỗi ngày 9X chỉ nấu cho mình cô ăn. Trung bình mỗi tuần Phương dành ra 4 - 5 buổi để tự nấu ăn và cũng chỉ nấu bữa tối vì buổi sáng cô uống nước ép hoa quả hoặc sữa hạt.
Khi nấu ăn, trung bình cô nàng chỉ mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, bao gồm cả đi siêu thị mua nguyên liệu, mang về chế biến, lên đĩa và chụp ảnh. Phương cho biết, mình không lên chi phí cho từng bữa, mà đưa ra một khoản trung bình cho từng tháng. Mỗi tháng 9X sẽ chỉ tiêu 1.000.000 đồng vào việc nấu nướng. Cô luôn tận dụng các nguyên liệu còn thừa để chế biến vào ngày hôm sau nên chi phí không hề tốn kém.
Khi nấu ăn, điều Minh Phương quan tâm nhất đến chính là quy trình. Bản thân không chỉ thích những món ăn ngon, mà còn thích sự gọn gàng nữa. Cô luôn nghĩ trước trong đầu một quy trình, ví dụ như cần cắt gọt hay tẩm ướp nguyên liệu nào trước, trong thời gian đó thì nấu hay thực hiện các công đoạn nào khác,... Như vậy vừa tiết kiệm thời gian sơ chế, nấu nướng, vừa hạn chế tối đa việc sử dụng quá nhiều các dụng cụ không cần thiết như chén, đĩa, hộp, xoong, chảo,... Quan trọng nhất là mỗi một nguyên liệu đều sẽ giữ được độ tươi ngon, hoặc độ ngấm cần thiết để có hương vị hấp dẫn nhất.
Nhờ vậy mà sau khi nấu thì gian bếp của Phương vẫn có vẻ gọn gàng, sạch sẽ. Việc vệ sinh sau đó cũng nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Do đó, nấu xong, ăn xong là bản thân không phải đi dọn cả một "chiến trường" nồi niêu xoong chảo.
Nhờ có sự chăm chỉ nấu nướng, chịu khó quan sát mà dần dần, 9X tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm vào bếp. Cô tâm sự, "những mẹo nấu ăn mà em biết, đa số là “học lỏm” từ những người xung quanh. Ví dụ như đi ăn ngoài hàng, trong lúc chờ đợi lên món thì có thể hỏi chuyện chủ quán một cách… vu vơ thôi. Rồi khi ở trong nhà có tiệc, cỗ, xem các cô các bác làm thế nào thì bắt chước. Rồi sau nhiều lần thực hành tại nhà, lên mạng search google, thậm chí là “đoán” cách nấu mà không xem công thức trước,... em đã rút ra được một vài mẹo nấu ăn như vậy".
Dưới đây là những mẹo nấu ăn rất hay và thiết thực của Minh Phương, chị em có thể tham khảo:
1. Chiên gà làm sao giòn vỏ mà không bị nứt vỡ?
Chỉ làm duy nhất 1 lớp bột chiên giòn khô. Nhưng trước khi cho vào chiên thì phải hấp chín trước, ít nhất là 10 phút, rồi mở vung, dùng que xiên chọc vài lỗ trên bề mặt miếng gà, đậy vung hấp tiếp 5 phút cho thịt chín đều.
Như vậy sau khi áo kín bột rồi chiên thì thịt gà, đặc biệt là phần vỏ, không bị co lại nhiều.
2. Nộm với khế làm sao không thâm, không chát?
Cách cải thiện là ngâm khế với muối trước khi bóp nộm, vừa đỡ thâm, vừa đỡ chát, vị lại đậm đà hơn.
3. Mẹo nấu bún cá ngon, nhanh và đơn giản
Cá biển ướp với mắm muối tiêu, xong chiên sơ. Phần xương thì thả vào nồi đun lấy nước dùng. Xào cà chua với khế, hành khô, chút thịt heo dăm cho mềm, rồi đổ nước dùng vào đun cho điều vị.
Xếp bún, cá vào tô rồi mới chan nước dùng lên. Ăn kèm với giá đỗ cũng rất ngon.
4. Nấu bún măng ngan làm sao để thịt mềm, không dai, không khô?
Khi sơ chế thì vẫn cần muối, rượu trắng, gừng tươi xát lên ngan cho khỏi hôi. Sau đó thả ngan vào nồi nước lạnh rồi mới đặt lên bếp. Đun lửa vừa, nước sôi thì vặn nhỏ lại cho sôi lăn tăn, mở vung hé để khỏi đỏ thịt. Đun khoảng 30 phút, ngan chín thì đậy nắp vung, ngâm thêm 7 – 10 phút rồi mới vớt ra.
5. Nấu phở gà làm sao ngọt nước mà không dùng quế hồi?
Nhiều người nấu phở gà không thích cho quế, hồi, vì mùi hương nồng, cảm giác phù hợp với phở bò hơn. Phương cũng nằm trong số đó, cô không thích mùi thơm và vị ngọt thanh của gà bị át mất bởi quế hồi.
Thay vào đó, cô dùng vài thanh mía già thả vào đun cùng nước xương. Màu nước vừa trong đẹp, vừa ngọt ngào mà chẳng cần nêm mì chính.
6. Rán cá không rách da
Kinh nghiệm của Phương rút ra được là không thả cá vào chảo nóng già! Khi vừa cho dầu ăn vào chảo, mới chỉ hâm hấp nóng chứ chưa sôi hẳn dầu thì thả luôn miếng cá vào, lướt đều hết các mặt cho dầu dính vào toàn miếng cá luôn. Như thế, thịt cá không bị săn đột ngột, không kéo rách da cá.
7. Hầm móng giò không hôi?
Rất đơn giản! Chần móng cùng vài củ hành khô đập dập và 1 thìa café rượu trắng trong khoảng 5 phút, sôi nhẹ lặn tăn. Sau đó vớt ra rửa sạch và hầm như bình thường.
8. Thịt rán ngũ vị không khô, không cháy?
Khi rán trên chảo đậy vung vào là xong! Hơi nước tụ trong chảo luôn, không mất đi đâu cả, thịt chín đều mà không lo cháy ngoài, sống trong. Đặc biệt là khi thái miếng thịt ra siêu mọng luôn! Một mẹo nữa là rán cùng mỡ heo thay vì dầu ăn thì càng không lo cháy.
9. Bánh cuốn nhân không thịt vẫn béo?
Phi hành thơm, thật nhiều hành! Phi vàng giòn thì băm nhỏ ra trộn cùng với mộc nhĩ xào. Còn phần dầu hành trên chảo, múc 3 thìa cơm hòa cùng với bát bột (bát tô) đã trộn. Mỗi lần tráng bánh thì khuấy lại bát bột cho phần dầu hành được trộn đều trong bát. Bánh tráng lên cực thơm, cực béo!
10. Đồ xôi làm sao không quá nhão, không quá khô?
Nên để phần mặt nước trong nồi/chõ cách đáy xửng hấp ít nhất 15cm. Khi đun sôi, nước không trào lên phần xôi trong xửng.
Khi cho gạo vào trong xửng, không đổ ụp tất cả gạo vào mà nên đổ từng vốc một để không khiến gạo bị nén xuống. Như thế xôi sẽ chín đều trong từng lớp mà không có tình trạng sống trong, khô ngoài.
11. Cơm rang làm sao vàng, tơi mà không cần cho nghệ?
Cơm nguội trong nồi còn, để vào tủ lạnh cho khô săn lại. Khi cơm đã lạnh thì đem ra, đập vài quả trứng và nêm gia vị/mắm/muối vào trộn đều. Sau đó mới đun nóng chảo rồi đổ phần cơm vào rang. Đảm bảo màu lên siêu đẹp mà lại tơi hạt cơm. Rang cơm cách này thì cần đảo nhẹ để không làm nát cơm. Khi cơm đủ tơi và giòn thì rưới thêm mắm cho thơm ạ!
12. Cách làm nhân bánh Doremon nhanh
Lúc luộc đậu (đậu xanh hoặc đỏ) để nước xâm xấp mặt, luộc đến khi chín đều thì dùng đũa khuấy liên tục trong nồi khiến đậu mềm cũng vỡ ra. Lúc này thì cho đường vào vừa miệng thì tiếp tục khuấy. Thấy gần cạn nước thì lại cho thêm nước. Khuấy tầm 15 phút là nước cạn hết, đậu khô lại, mềm mịn.
13. Khi ăn hamburger làm sao để bánh không nát?
Khi dùng chảo chiên thịt, thả luôn 2 lát bánh mì vào đấy cho nóng giòn lên. Bánh mì hút hết dầu mỡ trong chảo, vừa giòn vừa béo ngậy. Đảm bảo ăn không bị nát!
Tương tự chiếc hamburger, sandwich cũng cần nướng bánh mì trước khi kẹp, nếu không mọi thứ bên trong sẽ rơi lã chã ra bên ngoài mất.