Cuộc tình của tôi trắc trở từ ngày đầu yêu nhau cho đến tận khi tưởng đã an bài. Tôi đã từng nghĩ mọi chuyện êm xuôi và hai đứa sắp có thể hạnh phúc. Nào ngờ, giờ đây, vợ sắp cưới của tôi một mực từ hôn. Cô ấy không muốn cưới nữa dù hai nhà đã ngồi nói chuyện với nhau và chuẩn bị mọi thứ.
Nhưng… từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi thương cô ấy nhiều hơn trách. Vợ sắp cưới của tôi đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Còn tôi, có lẽ tôi đã không đủ cứng rắn để bảo vệ cô ấy và cả đứa con bé bỏng trong bụng vợ sắp cưới của mình.
Gia đình tôi không đồng ý cho tôi yêu và cưới Yến. Nguyên nhân là bởi cô ấy xuất thân từ nông thôn, gia đình “không cơ bản” (như lời mẹ tôi nói). Trong khi đó nhà tôi ở thành phố, dù không phải quá giàu nhưng cũng có của ăn của để. Mẹ tôi lúc nào cũng tự hào về truyền thống gia đình, về tiếng tăm của cả dòng họ. Tôi lại là con trai duy nhất của bà nên lúc nào bà cũng mong tôi sẽ phải cưới được một người con dâu vẻ vang, cho mát mày mát mặt cả họ.
Yêu tôi, Yến chịu nhiều thiệt thòi khi không được về nhà bạn trai nhiều (vì tôi sợ mẹ). Phải tới khi quyết định cưới tôi mới dám đưa Yến về. Không có gì lạ, mẹ tôi phải đối quyết liệt. Bà chê bai cô ấy đủ đường. Nào là không xinh, không có bằng Thạc sĩ, gia đình không giàu, đã thế lại xuất thân nông thôn… Tôi hiểu Yến đã tủi thân nhiều lắm. Nhưng vì yêu tôi, vì tôi động viên, cô ấy vẫn nín nhịn để mong hai đứa có thể về chung một nhà.
Ban đầu mẹ tôi phản đối ghê gớm lắm, tôi còn phải tuyệt thực để “chiến đấu” với mẹ. Nhưng rồi khi Yến có bầu, không còn cách nào khác, mẹ tôi buộc phải chấp nhận nhưng với một tâm thế… khinh ra mặt. Yến hiểu hết, nhưng cô ấy không than trách mà vẫn lặng lẽ nhịn nhục. Tôi tưởng như thế là chúng tôi sắp đi tới cái kết ngọt ngào rồi… Nào ngờ…
Ngày dạm ngõ, gia đình tôi về quê cô ấy, chỉ có vài người. Vừa xuống tới nơi, mẹ tôi đã “độp” vào mặt thông gia câu nói: “Ông bà thông cảm, tôi cũng muốn mời nhiều người đi cho vẻ vang, nhưng đi gặp họ hàng, cứ nghe thấy việc cô dâu có bầu rồi mới chuẩn bị cưới ai cũng từ chối. Họ sợ đen đủi ông bà ạ. Thế nên chỉ có vài người đi thôi”. Gương mặt của bố mẹ vợ tôi trùng xuống nhưng vẫn ân cần tiếp đón.
Vào nhà, từ cách mẹ tôi lấy cái khăn ra đặt lên ghế rồi mới ngồi, cách mẹ tôi nhìn một lượt khắp ngôi nhà đầy khinh bỉ… tất cả đều khiến tôi cảm thấy xấu hổ và có lỗi với nhà vợ tương lai. Từ đầu cuộc nói chuyện, Yến vẫn ngồi lui về phía sau để quan sát và lắng nghe. Lúc hai gia đình bàn bạc chuyện lễ cưới, khi nghe nhà gái nói yêu cầu xong, mẹ tôi đáp lời:
“Nói thật với ông bà, gia đình tôi chẳng thiếu tiền. Kể ra nếu cháu Yến được như người khác, lại không chửa trước thì thôi nhà tôi cũng phải làm hoành tráng cho thiên hạ biết mặt. Nhưng giờ, cái bụng ễnh ra thế kia, hay ho gì mà làm ầm ĩ lên, thiên hạ nó lại cười cho vào mặt. Thế nên tôi nghĩ cứ gói ghém, nhỏ gọn cho xong đi”.
Tôi thấy mẹ mình quá đáng vô cùng. Tôi chưa kịp nói lời gì, bố mẹ vợ cũng chỉ ngồi im thì Yến đứng lên. Cô ấy cầm khay trầu cau dạm ngõ đặt vào tay mẹ tôi rồi tuyên bố: “Không phải cưới xin gì nữa hết”. Cô ấy đuổi cả nhà trai về. Yến nói cô ấy có thể chịu nhục nhưng gia đình cô ấy thì không có lí do gì phải nghe những lời cay nghiệt đó từ mẹ tôi.
Cô ấy cũng tuyên bố không bao giờ cho tôi nhận con, cho bố mẹ tôi nhận cháu vì những người như thế không đáng được là ruột thịt của con. Nói rồi, cô ấy đuổi cả đoàn ra khỏi nhà, đóng cửa….
Tôi biết, Yến đã rất cay đắng khi phải chấp nhận cảnh này. Hành động của cô ấy là tức nước vỡ bờ mà thôi. Bố mẹ tôi đã quá quắt, hành xử không đúng. Có lẽ Yến đợi tới hôm nay mới phản kháng là để cho gia đình tôi một phen bẽ mặt. Tôi chẳng trách cô ấy vì mọi thứ đều là do gia đình tôi sai trước. Nhưng giờ, dù có nói thế nào cô ấy cũng không thay đổi quyết định và kiên quyết không liên lạc khiến tôi chẳng biết phải làm sao để níu chân người con gái mình yêu.