Tại sao bố mẹ lúc nào cũng bắt con được điểm 10?", câu đầu tiên trong lá thư nhưng cũng là bài tập về "Điều con muốn nói" được cho là của cậu học trò lớp 4, đang theo học tại một trường tiểu học ở Hà Nội.
Bài viết dài hai trang trên giấy kiểm tra của học trò với nhiều câu chữ còn vụng dại, chưa chính xác về ngữ pháp, chính tả nhưng người đọc lại có thể thấy rõ sự chân thật trong suy nghĩ, tâm trạng và cả nỗi lo sợ của đứa con nhỏ về điểm số.
Lá thư viết: "Tại sao bố mẹ lúc nào cũng bắt con được điểm 10; 9. Mà bố mẹ không hiểu con có bao nhiêu áp lực vì lúc bị điểm kém như 8; 7 trở xuống bố mẹ lại đánh con. Lúc đấy con chỉ nghĩ đến cái chết cho rồi. Con biết bố mẹ muốn con học giỏi nên người nhưng bố mẹ không hiểu về áp lực của con.
Bố mẹ không cho con biết đam mê của con mà chỉ biết sau này con phải thật tốt, kiếm ra nhiều tiền. Nhưng bố mẹ lại không hiểu con chút nào. Học hành tốt thì có công ăn việc làm ổn định nhưng con muốn đi theo niềm đam mê của mình. Nhiều lúc bố mẹ cấm con xem tivi, điện thoại. Nhưng bố mẹ lại không làm được".
Cậu học trò phản ứng về việc mình bị cấm xem ti vi, điện thoại và đưa ra lời đề nghị cảnh tỉnh người lớn: "Nếu bố mẹ không muốn con chơi thì con muốn bố mẹ chơi với con".
Đứa con thơ nói rất ngô nghê nhưng cũng hồn nhiên và đầy tình cảm chân thành của một đứa trẻ: "Con cảm ơn bố mẹ đã sinh con ra đời nhưng con nghĩ bố mẹ phải thông cảm và hiểu con hơn. Nhiều lúc con đang chơi, bố mẹ bắt con đi học, lúc đấy con bực mình lắm".
Cuối thư, em đưa ra một lời đề nghị nhưng cũng là một lời van xin có thể nói là mong muốn không chỉ riêng em mà của rất nhiều đứa trẻ hiện nay: "Con nghĩ bố mẹ phải chơi với con nhiều hơn và tham gia các hoạt động cùng con”.