Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân bà bầu bị nóng trong bụng khi mang thai
Bụng khó chịu khi mang thai khiến những ai lần đầu làm mẹ cực kỳ lo lắng, sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Các mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây nên cảm giác khó chịu trong bụng để có phương án chữa trị phù hợp.
1.1 Thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Phụ nữ có thai thường phải đối mặt với rất nhiều thay đổi gây cảm giác khó chịu, bụng cồn cào khi mang thai 3 tháng đầu có thể là do thay đổi hormone trong cơ thể.
Hơn 60% chị em khi mang thai sẽ bị ốm nghén, bất kể ngày đêm. Nhiều thai phụ cứ ăn vào là nôn, hoặc bị “dị ứng” với bất kỳ mùi vị, thức ăn nào. Chính vì thế, ốm nghén có thể khiến bạn cảm thấy xót ruột khi mang thai, dạ dày sẽ đau vì liên tục nôn ra thức ăn.
1.2 Thai nhi bị đói
Đôi khi hiện tượng bị xót ruột khi mang thai có thể liên quan đến vấn đề thai nhi bị đói. Thai nhi càng lớn là lúc mẹ cần phải tiêu thụ nhiều thức ăn hơn, đặc biệt là trong tam cá nguyệt cuối cùng.
2 dấu hiệu cho thấy bé yêu đang đói cồn cào là bé liên tục “đạp và đạp” để nhắc nhở mẹ nên ăn gì đó và bé trườn xuống bụng dưới trong khoảng thời gian mẹ làm việc hoặc vận động. Lúc này mẹ hãy lắng nghe cơ thể thường xuyên để kịp thời cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé.
1.3 Chứng ợ nóng, táo bón
Chứng ợ nóng khi mang thai là một triệu chứng khó chịu với hơn 50% phụ nữ gặp phải, đặc biệt là trong quý thứ hai và thứ ba. Ợ nóng là khi axit dạ dày bị đẩy lên thực quản, tạo cảm giác bỏng rát sau xương ức hoặc xuất hiện ở dạ dày và có xu hướng lan lên trên.
Bà bầu bị nóng bụng có sao không? Đây là hiện tượng không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây khó chịu, đau đớn, khiến mẹ khó ăn và vì vậy bé yêu sẽ không nhận đủ chất dinh dưỡng.
Khó tiêu cũng là một triệu chứng thường gặp trong thai kỳ và có thể đi kèm với ợ nóng. Nếu mẹ cảm thấy đầy bụng, chướng hơi, phình bụng thì chính xác là mẹ đang bị khó tiêu.
Táo bón khi mang thai là tình trạng thường gặp gây khó chịu, bất tiện cho mẹ bầu. Táo bón không chỉ gây cảm giác khó chịu trong bụng, chán ăn mà chất thải tích tụ lâu ngày có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
1.4 Ăn nhiều thức ăn cay nóng, khó tiêu
Thức ăn cay nóng, khó tiêu đều không tốt cho sức khỏe của chúng ta nói chung. Gia vị cay sẽ làm kích thích lớp lót dạ dày, tăng nguy cơ bị loét dạ dày. Đau do loét dạ dày sẽ làm cho mẹ bầu có cảm giác nóng rát bụng khi mang thai. Vì vậy, phụ nữ có thai và cho con bú nên hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng.
1.5 Căng thẳng, lo lắng khi lần đầu mang thai
Nhiều chị em mang thai lần đầu có tâm trạng lo lắng, hồi hộp không biết phải làm sao để con sinh ra được bình an, khỏe mạnh. Tuy nhiên, chính những lo lắng, căng thẳng đó sinh ra triệu chứng xót ruột của bà bầu. Nguyên nhân là do nó làm cho cơ thể lúc nào cũng đói, thèm ăn để giải quyết tình trạng stress.
2. Làm thế nào để loại bỏ cảm giác nóng bụng khi mang thai?
Bà bầu bị nóng bụng có sao không? Đây là trường hợp không quá nghiêm trọng và tất nhiên cách giải quyết cũng đơn giản. chủ yếu bà bầu cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và chế độ luyện tập, nghỉ ngơi phù hợp.
2.1 Dinh dưỡng hợp lý
Chế độ dinh dưỡng hợp lý mỗi ngày sẽ giúp mẹ và bé yêu có một thai kỳ khỏe mạnh. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành 5 bữa nhỏ thay vì 3 bữa chính nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng như: tinh bột, protein, vitamin, khoáng chất, chất béo,… vừa giúp mẹ hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, vừa đảm bảo hệ tiêu hoá không phải làm việc quá căng thẳng.
Trong bữa ăn hằng ngày nên ăn nhiều rau củ quả để tăng cường chất xơ và vitamin, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tránh ăn những thực phẩm gây chứng ợ nóng như: socola, đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn cay, rượu, cà phê, bạc hà...
Một số thực phẩm có tác dụng giảm chứng đầy bụng cho chị em khi mang thai như gừng, củ cải… chúng ta có thể chế biến với thức ăn hằng ngày để chữa khó tiêu, ợ hơi.
Uống sữa hay các chế phẩm sữa (sữa chua, phô mai) có thể làm giảm bớt chứng ợ nóng vì trong sữa có chứa nhiều canxi và một số chất khoáng giúp trung hòa axit trong dạ dày.
Nếu bạn biết trước mình bị triệu chứng khó tiêu, ợ hơi thì bạn có thể chuẩn bị món nước uống này trước khi ăn. Pha một muỗng nước cốt chanh vào ly nước ấm và uống trước bữa ăn sẽ ngăn ngừa chứng đầy bụng vì chanh hỗ trợ thêm axit cho dạ dày.
2.2 Ăn uống chậm rãi
Mọi thức ăn đều phải được nhai thật kỹ, chậm rãi, khi ăn nên ngồi một chỗ yên tĩnh, vừa ăn vừa uống cũng không tốt cho dạ dày của mẹ bầu.
Cách ăn này không chỉ tốt cho thời kỳ bầu bì mà còn giúp mẹ giảm cân sau sinh hiệu quả. Nhai kỹ giúp nước bọt tiết ra từ khoang miệng cũng có chứa các enzym tiêu hóa giúp giảm gánh nặng cho dạ dày.
Đặc biệt tránh ăn vào thời gian trước khi đi ngủ vì thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết nên khi nằm xuống, axit trong dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, gây khó chịu.
2.3 Thay đổi tư thế nằm
Một trong những nguyên nhân gây tình trạng khó chịu bụng khi mang thai chính là do tư thế nằm thấp, khiến hệ tiêu hoá làm việc căng thẳng hơn, gây ức chế phần bụng. Cách chữa cồn ruột khi mang thai đơn giản nhất là mẹ bầu khi nằm nên gối đầu ở tư thế cao hơn, nằm nghiêng sang bên trái sẽ vừa tốt cho hệ tiêu hoá vừa giúp lưu thông máu được diễn ra thuận tiện, dễ dàng hơn.
2.4 Giảm mệt mỏi, căng thẳng
Bà bầu cần giữ cho mình tâm trạng vui vẻ, thoải mái, dành nhiều thời gian để đọc sách, nghe nhạc, xem tivi…
Bà bầu cần đảm bảo ngủ đủ giấc 8 tiếng mỗi ngày, ngủ đúng giờ, tránh thức khuya.
Với những thông tin trên chắc chắn bạn đã có đáp án cho câu hỏi bà bầu bị nóng bụng có sao không? Tuy đây là hiện tượng bình thường không quá đáng lo nhưng mẹ bầu cũng không nên chủ quan, để kéo dài có thể dẫn đến bệnh đau dạ dày. Mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống hằng ngày để tình trạng này biến mất sớm và đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.